Bé bị chốc lở đầu là bệnh lý da liễu thường gặp ở trẻ nhỏ. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là các vết loét xuất hiện trên đầu, sau đó lan xuống mặt, miệng và tay, chân. Bệnh này không quá nguy hiểm nhưng rất dễ lây lan sang vùng da lành và từ bé này qua trẻ khác. Nếu bệnh tình được phát hiện, điều trị kịp thời thì sẽ nhanh khỏi, không để lại sẹo và các biến chứng về sau. Vì vậy, cha mẹ cách chữa bệnh chốc lở đầu ở trẻ để không xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Mục lục
- Chốc lở đầu là bệnh lý gì?
- Bệnh chốc đầu có mấy dạng?
- Nguyên nhân khiến bé bị chốc lở đầu
- Biểu hiện bệnh chốc lở đầu ở trẻ em
- Bệnh chốc lở đầu ở trẻ lây truyền theo cơ chế nào?
- Bệnh chốc lở đầu ở trẻ em có nguy hiểm không?
- Bệnh chốc ở trẻ em gây ra những biến chứng nguy hiểm nào?
- Cách chữa bệnh chốc đầu ở trẻ em an toàn, hiệu quả
- Một số lưu ý khi chữa bệnh chốc đầu ở trẻ em tại nhà
Chốc lở đầu là bệnh lý gì?
Chốc là bệnh nhiễm trùng trên bề mặt da do vi khuẩn gây ra. Bệnh này rất dễ lây lan sang các vùng da lành trên cơ thể bé hoặc từ bé này sang bé khác. Vì thế, bệnh lý này còn được gọi là “chốc lây”.
Ở mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh chốc. Nhưng đa phần xảy ra ở các bé tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Mới nhìn các biểu hiện đầu tiên của chốc lở thì các bậc phụ huynh thường hay nhầm lẫn với bệnh thủy đậu. Nếu bệnh chốc đầu được chẩn đoán và xử lý sớm sẽ nhanh khỏi, không để lại seo. Trường hợp ngược lại, bệnh có thể tiến triển xấu và gây ra những biến chứng nghiêm trọng.
Bệnh chốc đầu có mấy dạng?
Chốc lở đầu là bệnh thường xuyên gặp ở trẻ nhỏ và được chia thành 3 loại, cụ thể như sau:
- Chốc không có bọng nước: Đây là dạng phổ biến nhất có khoảng 70% trẻ bị chốc lở đầu thể này. Khởi phát bệnh trên da đầu của bé sẽ nổi các nốt sần đỏ và gây ngứa. Sau đó, các nốt này sẽ vỡ ra làm tổn thường cả vùng da đó và gây kích ứng hình thành lớp vảy màu vàng nâu.
- Chốc có bọng nước: Đây là dạng biến thể nặng hơn vì chúng hình thành các bóng nước, chứa đầy mủ. Sau khi bọng nước vỡ ra sẽ đóng vảy màu vàng và làm tổn thương da.
- Chốc loét: Tình trạng bệnh nặng do vi khuẩn xâm nhập sâu. Với dạng này thì trên đầu trẻ sẽ hình thành các vết loét đầy mủ với lớp vảy dày, gây đau nhức khó chịu. Vết loét này rất lâu lành và nguy cơ cao để lại sẹo.
Nguyên nhân khiến bé bị chốc lở đầu
Chốc lở là căn bệnh đã có từ rất lâu. Nó được tìm thấy tại Anh vào thế kỷ 14 và được đặt tên theo thuật ngữ Latin là “impetere”, có nghĩa là tấn công. Qua cái tên đã phần nào phản ánh khả năng tấn công và lây lan mạnh mẽ của chủng loại vi khuẩn gây bệnh này. Chốc lây đa phần chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ hơn là người lớn và bệnh thường bùng phát vào mùa hè.
“Thủ phạm” chính gây bệnh chốc lở là tụ cầu vàng Staphylococcus aureus. Ngoài ra, liên cầu nhóm A streptococcus là kẻ tiếp tay cho thủ phạm gây nên bệnh này. Hai loại vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào cơ thể thông qua vết xước, trầy, nứt da hoặc côn trùng cắn, phát ban. Sau đó, chúng sinh sôi, phát triển hình thành các vết chốc. Vì vậy, nếu muốn trị dứt điểm bệnh chốc lở thì cần tiêu diệt tụ cầu vàng và liên cầu.
Biểu hiện bệnh chốc lở đầu ở trẻ em
Bệnh chốc lở đa phần xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 2 đến 6 tuổi. Biểu hiện của bệnh rất dễ nhận biết qua những vùng da có vết loét đỏ, xuất hiện bọng nước dễ vỡ, không đau nhưng gây ngứa ngáy khó chịu. Những dấu hiệu này sẽ bắt đầu lộ diện sau thời gian ủ bệnh từ 1 đến 3 ngày.
Vùng da của trẻ sẽ trở nên ngứa và ửng đỏ. Triệu chứng tổn thương ban đầu là những nốt phồng rộp. Kế đó, các nốt phồng rộp này sẽ vỡ ra và chảy dịch nhầy màu vàng, đóng vảy ướt và nổi cộm lên mặt da. Cuối cùng, lớp vảy này sẽ khô và tróc, da lành lặn hoàn toàn sau vài ngày.
Bệnh chốc lở đầu ở trẻ lây truyền theo cơ chế nào?
Bé bị chốc lở đầu rất dễ lây cho trẻ em khác nếu tiếp xúc trực tiếp với dịch nhầy chảy ra từ các vết lở. Bệnh thường lây lan nhanh trong các trường học, cơ sở chăm sóc trẻ nhỏ. Thậm chí, dùng chung khăn lau, quần áo, nón đội đầu với bé nhiễm bệnh cũng bị lây. Chính vì vậy, đối với bé bị mắc bệnh thì phụ huynh cần vệ sinh quần áo, giường chiếu, dụng cụ cá nhân của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn chuyên dụng. Tốt nhất, hãy cách ly bé để tránh lây nhiễm chéo tạo thành dịch.
Bệnh chốc lở đầu ở trẻ em có nguy hiểm không?
Về cơ bản bệnh chốc lở đầu ở trẻ em không nguy hiểm. Các nốt lở loét nếu được chăm sóc chu đáo và trị đúng cách sẽ lành dần và biến mất mà không để lại sẹo. Tuy nhiên ở một vài trường hợp, nhất là các vết chốc không được chữa trị tận gốc thì có thể gây ra biến chứng và sẹo mất thẩm mỹ.
Bệnh chốc ở trẻ em gây ra những biến chứng nguy hiểm nào?
Chốc là một căn bệnh không thuộc diện nguy hiểm, cấp tính và khó trị. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc và chữa trị đúng cách thì bệnh nhân sẽ đối diện với nhiều biến chứng khó lường như:
- Da hóa chàm
- Nhiễm trùng da tại các nơi lở loét.
- Máu bị nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập.
- Thận bị viêm cấp.
Ngoài các biến chứng trên thì người bệnh còn có nguy cơ mắc phải các căn bệnh nguy hiểm hơn như: viêm phổi, hạch và xương,…..Để ngăn chặn bệnh tiến triển nghiêm trọng thì phụ huynh cần phát hiện sớm và xử lý bệnh chốc kịp thời. Chỉ cần phát hiện một vài dấu hiệu bất thường trên da đầu của trẻ, cha mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
Cách chữa bệnh chốc đầu ở trẻ em an toàn, hiệu quả
Khi phụ huynh phát hiện bé của bạn bị chốc lở đầu thì cần ngay lập tức áp dụng các biện pháp chăm sóc đúng cách.Trong đó, bước quan trọng giúp bé nhanh khỏi lở đầu là nhanh chóng sát khuẩn vùng da bị tổn thương bằng các loại dung dịch chuyên dụng.
Nếu trẻ bị chốc đầu thể nhẹ thì sau khi làm sạch vết loét, phụ huynh nên thoa thuốc mỡ kháng sinh hoặc kem theo toa. Đầu tiên, bạn dùng khăn ướt loại bỏ lớp vảy vàng đóng trên miệng vết lở để kháng sinh có thể thâm nhập vào da. Sau đó, bố mẹ nên tra thuốc nhẹ nhàng lên khu vực bị tổn thương.
Trong trường hợp bạn đã áp dụng cách trên mà bé vẫn không khỏi bệnh thì cần điều trị bằng kháng sinh. Bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu dịch của vết thương mang đi kiểm tra và đánh giá xem loại thuốc nào phù hợp nhất. Việc dùng kháng sinh loại nào để trị chốc lở ở trẻ em còn tùy thuộc vào triệu chứng, lứa tuổi, sức khỏe cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Thông thường, trẻ bị chốc lở đầu sẽ được điều trị bằng kháng sinh dạng uống.
Kháng sinh dạng uống hoạt tính mạnh hơn là thoa và phát huy tác dụng nhanh hơn, nhưng lại gây ra nhiều tác dụng phụ. Dù vết loét của bé có thuyên giảm nhưng vẫn phải cho dùng kháng sinh theo toa đảm bảo đủ liều, để ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát.
Nếu bé được điều trị đúng cách thì chỉ trong vòng từ 7 đến 10 ngày các vết lở sẽ lành. Trường hợp bé bị nhiễm trùng hoặc mắc phải các bệnh khác thì thời gian hồi phục sẽ lâu hơn.
Một số lưu ý khi chữa bệnh chốc đầu ở trẻ em tại nhà
Như đã nói ở trên nếu bé bị chốc lở đầu dạng nhẹ thì bố mẹ có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, các phụ huynh cần lưu ý một vài điều sau:
Hạn chế sờ, gãi khi bị chốc
- Khi bị chốc lở đầu bé sẽ bị ngứa ngáy, khó chịu. Tuy nhiên, bố mẹ đừng để bé gãy hoặc sờ vào vết thương vì có thể khiến chốc lở lây lan sang các vùng da khác, khiến tổn thương càng nghiêm trọng hơn.
- Khi trẻ bị chốc lở đầu, phụ huynh nên cho bé nghỉ ngơi, thường xuyên quan tâm theo dõi vết thương. Đặc biệt hạn chế cho trẻ tiếp xúc các bé khác nhằm tránh lây chéo.
- Nếu trẻ bị thương tổn một vùng da lớn thì phụ huynh dùng gạc tiệt trùng để băng sơ qua che vết phồng rộng ngăn không cho bé sờ, gãi, cào cấu,….Đều đặn vệ sinh và thoa thuốc cho bé để vết thương mau lành.
- Đối với các vết chốc nhỏ, bố mẹ chỉ cần dùng dung dịch sát khuẩn rửa vết thương và giữ cho bé sạch sẽ. Vài ngày sau vết loét sẽ khô lại và khỏi hẳn.
Cạo bớt tóc, hạn chế đội nón cho bé và ăn uống đủ chất
- Cha mẹ nên cạo bớt tóc tại khu vực bị chốc để dễ dàng vệ sinh và thoa thuốc. Sau này khi vết thương lành lặn, tóc sẽ mọc trở lại nhanh thôi.
- Đặc biệt, bố mẹ hạn chế đội mũ cho bé vì phụ kiện này sẽ làm hầm hơi và mang thêm vi khuẩn khiến vết thương càng trầm trọng. Nếu cần thiết đi ra ngoài, tốt nhất ba mẹ nên dùng bông băng dán vết loét lại, sau đó hãy đội mũ cho bé.
- Bên cạnh đó cần bổ sung dinh dưỡng cho trẻ thông qua khẩu phần ăn hằng ngày, đặc biệt là rau xanh, trái cây nhằm tăng.cường sức đề kháng giúp trẻ chống lại bệnh tật và phát triển khỏe mạnh.
Đọc thêm: Bé bị chốc lở nên ăn gì, kiêng gì?
Giữ vệ sinh sạch sẽ
- Phụ huynh cần giặt giũ, vệ sinh toàn bộ quần áo, mũ nón, gối nằm của bé để tránh lây lan dịch bệnh.
- Thường xuyên vệ sinh tay, gội đầu cho bé nhằm hạn chế lây lan sang các trẻ nhỏ khác.
Đọc thêm: Trẻ bị chốc lở nên tắm lá gì?
Trên đây là một vài thông tin cơ bản để giúp bố mẹ nhận biết các triệu chứng khi bé bị chốc lở đầu. Nhìn chung, bệnh này không khó trị chỉ cần phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời thì bé sẽ khỏi bệnh và vui tươi trở lại. Do đó, bố mẹ phải quan sát con mình thật kỹ, thường xuyên kiểm tra xem bé có dấu hiệu bất thường nào trên da đầu hay không. Nếu có tốt nhất phụ huynh nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị theo liệu trình thích hợp.