Bé bị nổi mề đay không sốt được chẩn đoán là tình trạng cấp tính. Bệnh gây ra một số phản ứng của mao mạch trên da với nhiều biểu hiện khác nhau, thường là phù, sưng, mẩn đỏ và ngứa. Đây được xem là giai đoạn khởi phát của bệnh mề đay ở trẻ em và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, ba mẹ cần chăm sóc và theo dõi thường xuyên để xác định và loại bỏ dứt điểm các yếu tố gây bệnh cho bé.
Mục lục
Bé bị nổi mề đay không sốt là như thế nào?
Trẻ em thường có làn da nhạy cảm và sức đề kháng yếu. Vì vậy, các bé rất dễ bị những tác nhân gây bệnh tấn công dẫn tới nổi mề đay. Đây là tình trạng da bé xuất hiện các nốt mẩn đỏ và gây ngứa khi cơ thể tiếp xúc với các dị nguyên.
Bệnh mề đay ở trẻ nhỏ có thể xuất hiện ở dạng cấp tính hoặc mãn tính. Tình trạng cấp tính thường bùng phát đột ngột, kéo dài trong vài tiếng hoặc dưới 6 tuần. Bé bị nổi mề đay không sốt thuộc giai đoạn cấp tính. Bệnh có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị. Tuy nhiên, khi mề đay chuyển biến sang mãn tính thì bệnh có thể kéo dài đến vài năm và tái lại nhiều lần.
Ở mức độ nhẹ (cấp tính), mề đay gây ngứa ngáy, khó chịu trên vùng da của bé. Tuy nhiên, khi diễn tiến sang giai đoạn nặng, bệnh sẽ gây phù mạch, khó thở, sốc phản vệ, nhiễm trùng da. Càng ở mức độ cao thì triệu chứng càng nguy hiểm và khó xử lý hơn. Chính vì vậy, cần phải loại bỏ sớm và dứt điểm các yếu tố gây bệnh mề đay ở trẻ nhỏ ngay từ giai đoạn khởi phát.
Tìm hiểu chi tiết về mề đay cấp ở trẻ em
Bé bị nổi mề đay là do đâu?
Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng nổi mề đay ở trẻ nhỏ. Trong đó, phổ biến nhất là những tác nhân sau đây:
- Tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân gây dị ứng: Khi cơ thể bé tiếp xúc với một số dị nguyên gây dị ứng như phấn hoa, khói bụi, lông chó mèo,… có thể dẫn tới tình trạng nổi mề đay.
- Thực phẩm: Khi ăn phải các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, đậu phộng,.. bé có thể bị nổi mề đay cấp.
- Nhiễm trùng cấp: Một số bệnh nhiễm trùng như viêm họng, viêm amidan, viêm tai giữa,… có thể khiến cho da bị kích thích, dẫn đến nổi ban đỏ, mề đay mẩn ngứa.
- Uống thuốc kháng sinh: Những loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm penicillin, thuốc giảm đau có thể là nguyên nhân khiến cho bé bị nổi mề đay.
- Thời tiết: Tiết trời thay đổi thất thường, nhiệt độ tăng giảm đột ngột cũng khiến cho làn da nhạy cảm của bé dễ bị kích ứng và nổi mề đay.
- Một số nguyên nhân khác: Bé bị nổi mề đay không sốt có thể bắt nguồn từ vết côn trùng cắn, vệ sinh cơ thể không sạch sẽ, cọ sát với quần áo, mắc các bệnh về gan, tuyến giáp,…
Đọc thêm: Mề đay ở trẻ 2 tuổi xử lý thế nào?
Những biểu hiện chính khi bé bị nổi mề đay không sốt
Bé bị nổi mề đay không sốt thường xuất hiện các biểu hiện như:
- Sẩn phù: Xuất hiện các nốt sẩn phù với kích thước to nhỏ khác nhau. Chúng thường nổi cao trên mặt da, hơi ửng đỏ hoặc nhợt nhạt hơn những vùng da xung quanh. Các nốt sẩn phù này xuất hiện và mất đi nhanh chóng.
- Ngứa: Hầu hết các trường hợp mề đay cấp hay mãn tính đều gây ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
Đây là 2 biểu hiện thường gặp nhất khi bé bị nổi mề đay cấp tính. Bé sẽ không bị sốt hay xuất hiện các triệu chứng nặng ở giai đoạn này.
Bé bị nổi mề đay không sốt: Cách chữa trị và phòng bệnh
Bé bị nổi mề đay không sốt thường đang ở trong giai đoạn khởi phát và xuất hiện các triệu chứng nhẹ. Lúc này, ba mẹ cần có phương pháp điều trị dứt điểm cho bé để tránh cho bệnh tái phát và biến chuyển sang giai đoạn mãn tính. Dưới đây là một số biện pháp chữa trị cũng như cách phòng bệnh mề đay ở trẻ nhỏ mà ba mẹ có thể tham khảo:
Loại bỏ các yếu tố gây dị ứng
Khi phát hiện bé đang có dấu hiệu nổi mề đay thì trước tiên cần phải khoanh vùng ngay các yếu tố có nguy cơ cao. Đồng thời, tránh cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng ấy. Cụ thể như sau:
- Không cho bé ăn các loại thực phẩm có khả năng cao gây dị ứng, nổi mề đay.
- Tránh việc chà xát hoặc gãi trên vùng da bị nổi mề đay vì nó sẽ khiến các vết dị ứng lan rộng và nhiễm trùng.
- Nếu bé bị nổi mề đay do tiếp xúc với không khí lạnh thì không nên cho trẻ tắm với nước lạnh. Khi đưa trẻ ra ngoài trời lạnh thì phải mặc áo ấm và sử dụng khăn choàng cho bé.
- Tránh việc tiếp xúc với ánh nắng bằng cách cho bé mặc áo khoác và thoa kem chống nắng dành cho trẻ em.
- Thuốc: Thông báo ngay với bác sĩ nếu bạn nghi ngờ một loại thuốc nào đó khiến cho bé bị dị ứng nổi mề đay.
Tóm lại, tùy thuộc vào nguyên nhân gây nổi mề đay mà ba mẹ cần xem xét để con hạn chế tiếp xúc với các tác nhân ấy. Cách này sẽ giúp ngăn chặn kịp thời các yếu tố gây nổi mề đay. Làn da của bé sẽ sớm trở lại bình thường và hạn chế tái phát bệnh.
Giữ cho cơ thể bé được mát mẻ, thông thoáng
Tình trạng nổi mề đay ở trẻ em thường có dấu hiệu gia tăng và khó kiểm soát hơn khi môi trường hoặc cơ thể giữ nhiệt độ quá cao. Khi bé càng cảm thấy nóng bức thì cơn ngứa do mề đay gây ra càng rõ ràng và khó chịu hơn. Vì vậy, hãy luôn giữ nhiệt độ phòng mát mẻ, thoáng đãng bằng cách mở cửa sổ để không khí được lưu thông.
Ngoài ra, ba mẹ nên cho bé mặc những bộ đồ rộng rãi, thoáng mát. Như vậy, làn da của bé mới được thoáng khí cũng như hạn chế tình trạng quần áo cọ sát vào các nốt mề đay.
Chườm lạnh cho da bé
Tác động của nhiệt có thể mang lại hiệu quả tích cực đối với tình trạng nổi mề đay ở trẻ em. Vì vậy, khi bé bị nổi mề đay không sốt, ba mẹ có thể dùng khăn lạnh mềm hoặc túi chườm đặt nhẹ lên vùng da bị mẩn ngứa. Thời gian chườm lạnh có thể duy trì trong vòng 10 phút và lặp lại vài lần trong ngày nếu thấy cần thiết và hiệu quả. Cách này có thể làm dịu cơn ngứa gây ra bởi mề đay.
Tuy nhiên cần lưu ý, làn da của trẻ nhỏ rất mỏng manh và nhạy cảm. Vì vậy, nên kiểm tra kỹ nhiệt độ của khăn hoặc túi chườm trước khi để những vật này tiếp xúc trực tiếp với làn da bé. Ngoài ra cũng không nên chườm lạnh quá lâu khiến cho cơ thể bé bị nhiễm lạnh và bệnh càng kéo dài.
Hạn chế sử dụng xà phòng tắm và các loại mỹ phẩm
Thời điểm trẻ bị nổi mề đay cũng là lúc làn da trở nên nhạy cảm hơn và cần được chăm sóc đặc biệt. Nhiều phụ huynh quan niệm rằng xà phong tắm tạo bọt hoặc các loại mỹ phẩm như kem dưỡng sẽ hỗ trợ điều trị nổi mề đay ở trẻ em. Thế nhưng, trong tình trạng da bé đang bị dị ứng, cần hạn chế tiếp xúc với các hóa chất từ mỹ phẩm vì nó có thể gây kích ứng nghiêm trọng hơn.
Trong thời gian bé bị nổi mề đay, khi tắm chỉ cần sử dụng nước ấm sạch và massage nhẹ nhàng trên da bé. Tránh trường hợp chà xát quá nhiều khiến cho làn da của bé tổn thương và các nốt mề đay bị nhiễm trùng.
Sử dụng thuốc điều trị mề đay dành cho trẻ em
Tình trạng nổi mề đay cấp tính có thể tự khỏi sau vài giờ. Tuy nhiên, nếu từ sau 24 – 48 giờ kể từ lúc phát hiện bé bị nổi mề đay mà tình trạng không thuyên giảm hoặc ngày càng diễn tiến nặng hơn thì ba mẹ nên đưa con đến bác sĩ chuyên khoa. Lúc này, bác sĩ sẽ thăm khám và chẩn đoán tình trạng. Đồng thời kê đơn thuốc điều trị mề đay phù hợp với độ tuổi của bé.
Ba mẹ tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc trị mề đay cho bé tại các hiệu thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Việc uống thuốc bừa bãi có thể khiến cho tình trạng nổi mề đay trở nặng, hơn nữa còn ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Ba mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho con sử dụng bất kỳ loại thuốc uống hay thuốc bôi nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Đọc thêm: Trẻ nổi mề đay khi trời lạnh phải làm sao?
Như vậy, tình trạng bé bị nổi mề đay không sốt là giai đoạn nhẹ của bệnh và không gây nguy hiểm. Nếu được điều trị kịp thời và đúng cách thì bệnh sẽ mau khỏi và không tái phát. Vì vậy, ba mẹ cần có sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt cho con trong giai đoạn này để có thể chữa trị mề đay dứt điểm, tránh tình trạng bệnh chuyển biến nặng và xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng.