Răng khôn mọc lên thường đi kèm với cơn đau kéo dài cả tuần, miệng sưng to, cản trở quá trình ăn uống, giao tiếp và thẩm mỹ. Tuy vậy bạn vẫn e ngại việc nhổ răng khôn vì sợ xảy ra các biến chứng nguy hiểm. Điều này có đúng không hay chỉ là lời đồn thổi truyền từ người nọ đến người kia. Nếu chung câu hỏi: Nhổ răng khôn có nguy hiểm không? Và làm sao để nhổ bỏ chúng an toàn nhất thì đừng bỏ qua thông tin dưới đây nhé!
Mục lục
Răng khôn ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Răng khôn là chiếc răng cối lớn thứ ba trên cung hàm, nằm ở vị trí trong cùng. Răng thường mọc trong độ tuổi trưởng thành từ 18 – 25 tuổi hoặc có khi muộn hơn. So với các răng khác, răng khôn thường gây ra nhiều biến chứng bởi nó mọc rất sâu, khó vệ sinh sạch sẽ và dễ mọc ngầm, mọc lệch.
Nếu răng khôn mọc lệch thì nguy cơ ảnh hưởng đến răng bên cạnh là rất cao. Nếu không nhổ kịp thời có thể làm răng số 7 bị hỏng. Còn với tình trạng răng ngôn mọc ngầm cũng dễ phá hủy chân răng kế bên, thậm chí tổn thương cho cả xương hàm.
Bên cạnh đó, răng khôn còn dễ dẫn tới các biến chứng khác như:
– Sâu răng: Vì nằm ở vị trí khuất sâu nên khó vệ sinh thức ăn, khi đó vi khuẩn tích tụ lâu ngày dễ gây sâu răng làm bạn cảm thấy đau đớn.
– Viêm lợi: Tích tụ thức ăn, vi khuẩn ở răng khôn còn gây viêm nhiễm vùng lợi xung quanh, dẫn tới các triệu chứng như đau, sưng, hôi miệng. Đôi khi làm cứng hàm khiến bạn không thể mở to miệng khi ăn uống hoặc giao tiếp. Viêm lợi tái phát nhiều lần thì mức độ nguy hiểm càng lớn.
– Viêm lợi trùm răng khôn: Khi răng khôn mọc lệch thường gây ra tình trạng lợi trùm. Phần lợi trùm lên khiến cho thức ăn bám vào kẽ giữa lợi và răng. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi phát triển. Biểu hiện của tình trạng này là bị viêm tấy xung quanh bề mặt răng khôn.
– Ảnh hưởng đến xương, hàm răng: Như đã phân tích ở trên, răng khôn mọc lệch đâm sang răng bên cạnh làm cho chúng dễ bị lung lay, nặng hơn còn phải nhổ răng. Triệu chứng dễ nhận thấy là có những cơn đau âm ỉ kéo dài khu vực đó. Một số trường hợp không chữa trị còn lan sang cả khu vực má, mắt, cổ,… nguy hiểm đến tính mạng.
Răng khôn mọc lệch, mọc ngầm dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhưng có phải trường hợp nào cũng phải nhổ răng khôn hay không. Câu trả lời sẽ có dưới đây nhé!
Đọc thêm: Răng khôn không mọc có phải là bất thường?
Các trường hợp nên và không nên nhổ răng khôn
Để biết có nên hay không nên nhổ răng khôn thì trước hết bạn cần tìm địa chỉ nha khoa uy tín. Sau đó bác sĩ sẽ thăm khám, chụp phim X – quang cẩn thận, đánh giá tình trạng rồi mới đưa ra quyết định.
Trường hợp nên nhổ răng khôn
Nếu răng khôn của bạn nằm trong tình trạng sau thì nên nhổ bỏ sớm:
- Răng khôn mọc lên đau nhức, bị nhiễm trùng và làm ảnh hưởng đến các răng lân cận
- Răng khôn chưa gây ra biến chứng nguy hiểm nhưng thường bị mắc thức ăn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển
- Răng khôn mọc lệch, mọc ngầm hoặc mọc thẳng nhưng không có răng đối diện ăn khớp, làm tổn thương hàm khi ăn nhai
- Răng khôn bị viêm nha chu, sâu răng hoặc người có nhu cầu thẩm mỹ, chỉnh hình
Trường hợp không cần thiết phải nhổ răng khôn
- Răng khôn mọc thẳng, không bị lệch, bình thường và không kẹt mô xương hay nướu
- Người có bệnh nền là các bệnh lý mãn tính như: rối loạn đông máu, đái tháo đường, tim mạch,…
- Răng khôn liên quan trực tiếp đến dây thần kinh, xoang hàm
Do vị trí và hình dáng nên việc nhổ răng khôn thường gặp khó khăn hơn so với răng khác trên khuôn hàm. Bác sĩ cần can thiệp vào phần xương hàm, để lại vết thương rộng hơn nên nhiều người lo lắng việc nhổ răng khôn sẽ nguy hiểm.
Nhổ răng khôn có nguy hiểm không?
Mặc dù kỹ thuật ngành nha khoa đã rất phát triển nhưng câu hỏi: Nhổ răng khôn có nguy hiểm không vẫn làm nhiều người băn khoăn. Để đánh giá vấn đề này, chúng ta cùng đi vào 2 vấn đề.
Răng khôn với dây thần kinh
Sở dĩ nhiều người sợ nhổ răng khôn vì nghĩ chúng sẽ ảnh hưởng đến dây thần kinh. Kỳ thực răng khôn thường mọc sát dây thần kinh quan trọng như: dây thần kinh hàm trên, dây thần kinh hàm dưới, dây thần kinh mắt,… Việc lo lắng khi nhổ răng ảnh hưởng đến sức khỏe là không thừa.
Một số trường hợp sau khi nhổ răng khôn thấy tê ran nơi đầu lưỡi, má hoặc môi. Đây là sự ảnh hưởng của dây thần kinh khi nhổ răng nhưng ở mức độ nhẹ và không ảnh hưởng gì. Còn nếu chọn địa chỉ nhổ răng uy tín thì bạn không cần lo lắng.
Răng khôn với răng kế cận
Răng số 7 có vị trí rất quan trọng khi ăn nhai thức ăn. Tuy nhiên chúng thường phải chịu tác động trực tiếp khi răng khôn gặp vấn đề. Khi nhổ răng khôn, có người lo sợ phần lợi ở răng khôn sẽ tiêu biến. Răng số 7 bị ảnh hưởng dễ bị mẻ hoặc xô lệch do không còn răng bên cạnh chống đỡ. Điều này hoàn toàn sai lầm vì răng khôn mất đi thì hiện tượng tiêu xương rất ít xảy ra. Khoảng trống của răng khôn sẽ được lấp đầy bởi mô cơ phía bên trong hàm.
Đọc thêm: Nhổ răng khôn còn sót chân răng có sao không?
Một số biến chứng có thể gặp khi nhổ răng khôn
Nhổ răng khôn có thể sẽ gặp nguy hiểm nếu bạn chọn phải cơ sở kém chất lượng, bác sĩ kiến thức và chuyên môn yếu kém, trang thiết bị lạc hậu. Khi đó dễ dẫn tới hậu quả dưới đây:
– Tổn thương dây thần kinh răng dưới: Dây thần kinh huyệt răng dưới tạo cảm giác cho nửa cung răng, lợi hàm dưới và một nửa môi dưới. Nó nằm ở ống răng trong xương hàm dưới, cách chóp chân răng 6,7 từ 2 – 3mm. Vị trí này nằm tương đối sát với răng số 8 hàm dưới. Nếu nhổ răng khôn không chuẩn dễ dây tổn thương cho dây thần kinh này.
– Nhiễm trùng huyệt ổ răng: Răng khôn nằm sát trước hầu, họng – nơi có nhiều lympho bào và mạch máu. Nó có xu hướng phản ứng quá mẫn khi nhiễm trùng. Nếu không may xảy ra tình trạng này, bạn sẽ thấy vùng họng sưng đau, khó nuốt, há miệng hạn chế.
– Tổn thương răng số 7: Nếu bác sĩ nhổ răng thiếu kinh nghiệm, dùng lực quá mạnh thì làm tổn thương răng số 7 chắc chắn có thể xảy ra.
– Vỡ bản trong xương hàm dưới hoặc vỡ lỗ củ xương hàm trên: Trường hợp này thường xảy ra với kiểu nhổ răng khôn truyền thống khi dùng lực quá mạnh ảnh hưởng đến xương hàm, gây sưng, đau nhức, chảy máu kéo dài.
– Sốc phản vệ: Có thể xảy ra nhưng tỉ lệ thường rất nhỏ khi các địa chỉ nha khoa uy tín chất lượng sẽ loại bỏ nguy cơ này.
– Phản ứng với thuốc tế: Thuốc tê được dùng phổ biến trong Y khoa. Tuy nhiên đòi hỏi kĩ thuật viên phải sử dụng đúng liều lượng.
– Một số biến chứng khác như: áp se lợi do sót chân răng, chảy máu,…
Mách bạn cách phòng tránh biến chứng khi nhổ răng khôn
Để tự tin và thoải mái nhất trước khi nhổ răng khôn, bạn nên đọc ngay thông tin cụ thể dưới đây bao gồm việc chọn địa chỉ nha khoa cũng như cách chăm sóc sau tiểu phẫu.
Yếu tố bác sĩ
Phần lớn các trường hợp nhổ răng khôn gặp biến chứng do thực hiện ở phòng khám kém chất lượng, không có đầy đủ thiết bị hiện đại, điều kiện vô trùng hạn chế, tay nghề bác sĩ không đảm bảo. Để phòng tránh điều này, bạn nên đăng ký ở các địa chỉ nha khoa, bệnh viện lớn thực sự uy tín.
Nhằm giúp quá trình nhổ răng khôn đạt hiệu quả cao nhất, bác sĩ cần thăm khám và tư vấn phác đồ điều trị một cách chính xác. Đồng thời, bác sĩ thực hiện nhổ răng có tay nghề cao, kinh nghiệm dày dặn. Quá trình nhổ răng khôn của bạn cần trải qua các bước:
- Bước 1: Trước tiên, khám tổng quát, đánh giá tình trạng răng khôn, nhất là răng khôn và răng bên cạnh
- Bước 2: Tiếp đến là chụp X-quang răng khôn để xác định vị trí, tình trạng mọc giúp xác định thao tác nhổ răng chính xác
- Bước 3: Kiểm tra sức khỏe toàn thân xem bạn có mắc các bệnh lý như tiểu đường, máu khó đông, tim mạch, huyết áp hay không,… Từ đó lên phác đồ và hướng xử lý trong từng trường hợp
- Bước 4: Vệ sinh sạch sẽ khoang miệng, hạn chế tối đa tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm ổ răng
- Bước 5: Bác sĩ tiến hành nhổ răng khôn theo phác đồ điều trị đã đề ra
- Bước 6: Bác sĩ dặn dò quá trình chăm sóc răng miệng, chế độ dinh dưỡng sau khi nhổ răng khôn
Yếu tố bệnh nhân
Ngoài yếu tố bác sĩ, trang thiết bị nha khoa thì quá trình nhổ răng khôn an toàn nhất còn phụ thuộc vào chính bản thân bạn. Khi thực hiện, bạn cần phối hợp những công việc sau:
- Cung cấp đầy đủ thông tin sức khỏe mới nhất cho bác sĩ điều trị
- Trước khi nhổ răng khôn, bạn vẫn ăn uống đầy đủ, không nên bỏ bữa dễ bị tụt huyết áp
- Để tâm lý luôn thoải mái, không cần quá lo lắng
- Trong vòng 24 giờ đầu sau khi nhổ răng, bạn cần cắn chặt bông gòn
- Không nên vận động quá mạnh trong khoảng 1 – 2 ngày đầu sau khi nhổ răng
- Không nên ăn các đồ quá cứng, có chứa nhiều vụn, quá cay nóng, không hút thuốc lá, uống rượu bia
- Nên ăn các thức ăn mềm, lỏng như cháo, bún, miến, súp, nước hoa quả trong 1 – 2 ngày đầu. Sau đó bạn có thể ăn uống bình thường
- Không nên khạc nhổ mạnh, dùng tay hoặc vật sắc nhọn, dùng lưỡi chọc vào vết thương
- Có thể chườm lạnh trong ngày đầu nếu vùng má bị sưng đau
- Sử dụng các loại thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu bạn bị đau dạ dày thì nên nói với bác sĩ để kê loại thuốc phù hợp
- Liên hệ ngay đến bác sĩ nếu xuất hiện tình trạng chảy máu kéo dài sau vài ngày nhổ răng, hoặc tình trạng sưng tấy kéo dài hơn 1 tuần
Nhổ răng khôn có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bao gồm: tình trạng sức khỏe răng miệng, vị trí mọc răng khôn, địa chỉ nha khoa uy tín, tâm lý của bản thân người bệnh. Hi vọng những thông tin hữu ích trên sẽ giúp bạn hiểu đúng và hiểu rõ những việc cần làm nếu muốn nhổ răng khôn nhé.