Răng khôn chính là nỗi ám ảnh của nhiều người với cơn đau dai dẳng, thậm chí bị sưng hàm, viêm lợi trùm, khó mở miệng,… Theo khuyến cáo của chuyên gia thì răng khôn nên nhổ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên răng khôn mọc thẳng thì sao? Nên nhổ hay không? Nếu giữ lại có ảnh hưởng gì không? Thông tin cụ thể và chính xác nhất dưới đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi trên nhé!
Mục lục
Răng khôn mọc thẳng có nên nhổ hay không?
Răng khôn còn gọi là răng số 8, thường mọc khá muộn sau cùng so với răng khác. Theo thống kê, chúng mọc trong độ tuổi từ 17 – 26. Tuy nhiên trong thời điểm này, xương hàm của chúng ta đã phát triển đầy đủ và gần như cố định. Nướu răng cứng chắc hơn so với tuổi thiếu niên. Đó là lý do răng khôn mọc khó khăn, gây nhiều đau đớn, khó chịu.
Nhổ răng khôn là giải pháp hiệu quả để chấm dứt những điều trên. Ngoài ra chúng còn giúp bạn phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm như viêm lợi, viêm tủy răng, u nang xương hàm,… Nhưng không phải tất cả răng khôn đều phải nhổ. Bạn có thể giữ lại chúng nếu răng khôn mọc thẳng và không gây biến chứng. Khi chúng đã mọc đầy đủ như các răng khác, cảm giác đau nhức, khó chịu sẽ biến mất. Tìm hiểu thêm trường hợp nào nên nhổ và không nhổ với răng khôn mọc thẳng dưới đây nhé.
Trường hợp cần nhổ răng khôn mọc thẳng
Để xác định xem răng khôn mọc thẳng có cần nhổ hay không, bạn cần đến nha khoa uy tín sẽ được bác sĩ thăm khám, chụp phim X – quang. Sau khi xác định đầy đủ các yếu tố, bác sĩ đưa ra phương án tốt nhất cho bạn.
Các trường hợp cần nhổ răng khôn mọc thẳng như sau:
- Răng khôn mọc thẳng nhưng cấu tạo thân răng to, cộng thêm vị trí cho răng mọc không đủ làm xô lệch răng số 7 bên cạnh. Dần dần chúng sẽ làm thay đổi cấu trúc của cả cung hàm
- Răng khôn mọc thẳng nhưng mọc ở vị trí tác động nhiều đến các dây thần kinh, gây đau đầu, đau khớp thái dương hàm,… ảnh hưởng đến sức khỏe, làm bạn chán ăn, mệt mỏi,…
- Răng khôn chỉ mọc ở 1 bên hàm duy nhất khiến cho khớp cắn tại vị trí này không cân đối. Do vậy răng khôn có xu hướng trồi dài xuống hàm đối diện. Chúng gây tình trạng vướng víu, ăn nhai khó khăn, thậm chí làm lệch hàm
- Răng khôn mọc thẳng nhưng bị sâu vỡ lớn, viêm tủy. Nếu răng số 8 bị viêm tủy, bác sĩ sẽ khó đưa các dụng cụ vào tiếp cận và điều trị. Đặc biệt răng số 8 bất thường, có chân cong, chân xoay khi chữa tủy sẽ khó làm sạch. Việc nhổ bỏ lúc này mới có thể trị tận gốc
- Nhổ răng số 8 để niềng răng. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng khôn để lấy khoảng trống dịch chuyển răng khác khi chỉnh nha. Bởi răng khôn cũng không có chức năng quan trọng trên cung hàm
- Răng khôn mọc thẳng nhưng việc vệ sinh răng miệng khó khăn. Thức ăn dễ bị lọt, dắt vào khe răng để lại mảng bám khó xử lý. Lâu dần có thể dẫn đến viêm nha chu.
Như vậy là có rất nhiều trường hợp tuy răng khôn mọc thẳng nhưng vẫn cần loại bỏ để tránh ảnh hưởng đến cấu trúc xương hàm cũng như tâm lý, sức khỏe của bạn.
Trường hợp không cần nhổ răng khôn mọc thẳng
Nếu có răng khôn mọc thẳng trong những trường hợp dưới đây thì xin chúc mừng bạn vì không cần phải nhổ bỏ chúng nhé.
- Răng khôn mọc thẳng bình thường, không ảnh hưởng tới chức năng ăn nhai của các răng khác, không bị sâu hay mắc kẹt thức ăn. Trường hợp này, răng khôn mọc lên giống như những chiếc răng khác. Chúng có thể sẽ hơi đau nhức trong giai đoạn đầu. Khi hoàn thiện thì không có vấn đề gì nữa. Vậy nên bạn có thể giữ chúng lại nếu muốn
- Răng khôn mọc thẳng bị lợi trùm, bạn sẽ thấy hơi đau nhưng dễ dàng giải quyết bằng cách cắt lợi trùm tại nha khoa. Khi đó, phần lợi bao quanh chân răng bình thường như các vùng khác, răng sẽ mọc lên bình thường mà không phải nhổ.
Nhổ răng khôn mọc thẳng có đau không?
Nhiều người thắc mắc không biết nhổ răng khôn mọc thẳng có đau không. Thực ra đây chỉ là một ca tiểu phẫu đơn giản. Vì chúng đã mọc thẳng thuận lợi hơn rất nhiều so với mọc ngầm, mọc lệch nên bác sĩ không cần phải rạch lợi hay cắt răng thành nhiều phần.
Hiện nay có nhiều trang thiết bị hiện đại như máy siêu âm Piezotome giúp việc nhổ răng khôn nhẹ nhàng, nhanh chóng, an toàn, hạn chế tối đa biến chứng.
Trước khi tiến hành nhổ răng khôn, bác sĩ sẽ tiến hành vệ sinh sạch sẽ khoang miệng. Sau đó gây tê tại vùng răng cần nhổ. Trong suốt quá trình nhổ răng, bạn cảm thấy hoàn toàn thoải mái, dễ chịu. Khi hoàn thiện, vùng nướu có thể bị sưng. Bạn chỉ cần tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ như uống các loại thuốc, kết hợp chế độ ăn uống hợp lý là được nhé.
Đọc thêm: Nhổ răng khôn sau bao lâu thì lành?
Nhổ răng khôn mọc thẳng mất bao lâu? Chi phí bao nhiêu?
Cũng nhờ sự phát triển của thiết bị nha khoa nên thời gian nhổ răng khôn đã được rút ngắn hơn trước rất nhiều. Toàn bộ quá trình có thể mất từ 20 – 30 phút. Cảm giác đau đớn cũng ít hơn nhiều so với răng khôn mọc ngầm, mọc lệch. Ngoài ra, nhổ răng khôn mọc thẳng thường ít khi gây sưng mặt. Nếu có thì vùng sưng khá nhó và sẽ nhanh chóng quay trở lại trạng thái bình thường.
Về chi phí nhổ răng khôn mọc thẳng được chia thành:
- Nhổ răng khôn mọc thẳng theo phương pháp truyền thống: Chi phí dao động từ 1 – 2 triệu đồng/răng. Ưu điểm là tiết kiệm chi phí nhưng có thể sẽ đau hơn và thời gian nhổ lâu hơn.
- Nhổ răng khôn mọc thẳng bằng máy siêu âm Piezotome: Chi phí dao động từ 1.5 – 3 triệu/răng. Ưu điểm là thời gian nhổ nhanh chóng, nhẹ nhàng, mang lại cảm giác dễ chịu cho người bệnh.
Bạn dựa vào tình trạng răng cụ thể và lời khuyên của bác sĩ để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất nhé!
Xem thêm: Nhổ răng khôn xong nên kiêng gì?
Quy trình nhổ răng khôn mọc thẳng
Để giúp bạn cảm thấy an tâm khi thực hiện thì đừng bỏ qua quy trình nhổ răng khôn mọc thẳng dưới đây nhé. Điều này cũng giúp mọi người biết mình cần chuẩn bị những gì trước khi nhổ răng.
– Bước 1: Thăm khám và tư vấn
Bác sĩ sẽ thăm khám tình trạng sức khỏe răng miệng. Sau đó chụp phim X – quang để kiểm tra răng khôn của bạn mọc ra sao. Tiếp đến căn cứ vào kết quả, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn phương án phù hợp nhất.
Để đảm bảo an toàn khi nhổ răng khôn, bạn cần trao đổi với bác sĩ một số vấn đề như:
- Có tiền sử bệnh lý răng miệng và toàn thân
- Các vấn đề sức khỏe gặp phải, dị ứng
- Các loại thuốc đang sử dụng
- Có đang trong kỳ kinh nguyệt
- Có đang trong giai đoạn mang thai
Căn cứ vào thông tin mà bạn cung cấp, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn thời điểm nhổ răng an toàn, hạn chế tối đa biến chứng có thể gặp phải.
– Bước 2: Vệ sinh sạch sẽ khoang miệng
Bác sĩ và y tá sẽ vệ sinh sạch sẽ khoang miệng của bạn để tránh tình trạng lây nhiễm chéo. Sau đó gây tê vùng răng cần điều trị. Như vậy bạn không cảm thấy đau và hoàn toàn thỏa mái khi nhổ răng.
– Bước 3: Tiến hành nhổ răng khôn
Bác sĩ sẽ sử dụng các thiết bị chuyên dụng để tách răng khôn ra khỏi các mô xung quanh và đưa chúng ra ngoài. Thời gian có thể từ 20 – 30 phút hoặc lâu hơn tùy vào độ phức tạp của răng. Sau khi nhổ răng, bác sĩ khâu vết thương (nếu cần thiết) và cho bệnh nhân cắn gạc để cầm máu.
– Bước 4: Hướng dẫn chăm sóc và kiểm tra định kỳ
Bác sĩ kê thuốc cho bạn và hướng dẫn cách chăm sóc, vệ sinh răng miệng tại nhà. Sau đó hẹn lịch tái khám.
Cách chăm sóc sau khi nhổ răng khôn mọc thẳng
Sau khi nhổ răng khôn, bạn cần nghỉ ngơi và lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe đặc biệt giúp cho vế thương nhanh lành, không để lại biến chứng nào.
Lưu ý chăm sóc vết thương và răng miệng
– Sau khi nhổ răng xong bạn nên ngồi yên một chỗ, tránh vận động mạnh có thể khiến máu chảy nhiều hơn, và ảnh hưởng đến vết thương.
– Tuân thủ theo lời dặn của bác sĩ, sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau theo hướng dẫn.
– Ngày đầu tiên chưa nên đánh răng ngay vì dễ làm vỡ cục máu đông. Bạn dùng nước muối sinh lý để súc miệng. Những ngày sau thì đánh răng 2 lần/ngày như bình thường. Chú ý động tác đánh răng nên nhẹ nhàng, tránh chạm vào vết thương.
Các món ăn nên hạn chế sau khi nhổ răng
– Bạn nên hạn chế các đồ ăn chua, cay bởi chất axit mạnh sẽ kích thích vùng nhổ răng, khiến cho lợi càng thêm sưng tấy, đau nhức.
– Bạn tránh các loại thực phẩm dễ gây ra hiện tượng mưng mủ như rau muống, thịt gà hay các loại đồ nếp.
– Bạn tránh các đồ ăn cứng như xương, gân, sụn,… vì có thể gây đau, chạm vào vị trí nhổ răng, làm cho lợi sưng đau hơn.
– Bạn hạn chế các đồ dẻo, quá dai hoặc quá dính vì chúng cũng dễ bị kẹt vào kẽ răng, rất khó để vệ sinh sạch sẽ.
– Không uống những loại có cồn như rượu, bia hay cà phê, thuốc lá vì đều dễ kích thích ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương.
– Bạn hạn chế ăn những đồ ngọt, bánh, kẹo cứng. Không ăn đồ quá nóng hoặc quá lạnh như kem, đá,…
Các món ăn phù hợp sau khi nhổ răng
– Bạn nên ăn thực phẩm lỏng, mềm, mịn như cháo thịt băm, súp, bún, … Điều này giúp đảm bảo sức khỏe.
– Bổ sung các chất xơ từ rau củ quả để làm dịu sưng tấy. Đặc biệt ăn thêm thức ăn chứa canxi có trong tôm, cá, hải sản,…
– Tăng cường các loại nước ép trái cây như nước cam ép, rau má,… để bổ sung thêm vitamin C nâng cao sức đề kháng tốt hơn.
– Bổ sung thêm vitamin D từ sữa tươi, chế phẩm từ sữa khi cơ thể mệt mỏi. Sau khi uống sữa nhớ súc miệng sạch sẽ để loại bỏ cặn sữa trong khoang miệng.
Một vài mẹo giảm đau răng tại nhà
– Bạn chườm nước đá xung quanh vị trí nhổ răng khôn. Hơi lạnh của đá sẽ giúp quá trình vận chuyển oxy, máu chậm lại, gây tê tạm thời dây thần kinh, giảm cảm giác bị đau nhức. Cách làm cũng rất đơn giản. Mọi người cho vài viên đá vào khăn sạch, bọc lại. Sau đó chườm lên má ở vị trí nhổ răng. Để khoảng 5 – 10 phút rồi bỏ ra nhé. Đợi một lát rồi chườm tiếp cũng được.
– Súc miệng nước muối ấm. Bạn có thể dùng nước muối sinh lý pha chút nước ấm rồi súc miệng nhẹ nhàng, tránh không để bung cục máu đông. Điều này vừa giúp giảm đau, vừa làm sạch răng miệng hiệu quả.
Răng khôn mọc thẳng có nhổ hay không còn tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người. Cách tốt nhất là bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn một cách chính xác. Dù có cần nhổ thì cũng không cần quá lo lắng. Với sự phát triển của nha khoa hiện nay, mọi thứ sẽ tốt đẹp cả nhé!
Theo: nhakhoathuyduc.com.vn