Làn da của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, khi mới sinh, trên da của các em bé thường có một lớp lông măng tơ mỏng. Lớp lông măng này có thể khiến bé ngứa ngáy, khó chịu, dễ bị vặn mình và giật mình trong giấc ngủ. Đó là lý do các mẹ thường sốt sắng tìm cách giúp bé loại bỏ lông măng này. Tắm lá vông là một phương pháp dân gian được cho rằng có thể khiến lớp lông măng trên da trẻ rụng dần. Trong bài viết sau, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu tác dụng thật sự của mẹo tắm nước lá vông cho trẻ nhỏ.
Mục lục
Cây lá vông và công dụng
Tìm hiểu về cây lá vông
Cây lá vông hay dân gian quen gọi là lá vông nem, theo sách Y dược cổ truyền cây vông còn được gọi là thích đồng bì hay hải đồng bì. Theo đông y, cây vông có tính bình, vị đắng.
Cây vông là một loài cây thuộc họ Đậu, có tên khoa học là Erythrina orientalis (L) Murr
Thân cây vông thường cao, có gai nhọn. Lá vông gồm 3 lá chét mọc so le. Lá chét giữa thường to hơn hai lá chét bên cạnh.
Hoa cây vông nở vào mùa hè, có màu đỏ tươi nổi bật và mọc thành chùm dầy.
Quả vông màu đen, có dạng tràng dài 15-30 cm, bên trong chứa các hạt có hình thận có màu đỏ hoặc màu nâu.
Cây vông thường mọc dại ở bờ ruộng, hoặc được trồng để làm hàng rào. Và do cây có nhiều dược tính nên có nơi trồng làm thuốc.
Công dụng của cây lá vông
Lá cây vông có thể làm lá gói nem ăn, hoặc gói bánh. Ở những vùng ven biển, cây vông được trồng nhiều để chắn gió.
Theo Đông y, các thành phần của cây vông có chứa các đặc tính có thể chữa bệnh. Vì thế người ta thường tận dụng hoa, lá, hạt và vỏ cây để chế biến thuốc.
Nói thêm về tác dụng chữa bệnh của cây vông, theo Y học cổ truyền, lá cây vông có tác dụng an thần, điều trị các chứng bệnh về huyết áp, thần kinh, chữa đau nhức xương khớp
Theo nghiên cứu khoa học, lá vông có chứa các hoạt chất đặc biệt như alkaloid và saponin có tác dụng ức chế thần kinh trung ương mà không ảnh hưởng đến hoạt động của cơ, hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ hiệu quả. Các hoạt chất này còn làm giảm sự co thắt của hậu môn, giúp điều trị bệnh trĩ.
Lá vông chứa nhiều thành phần có tính sát khuẩn, có thể điều trị lở ngứa. Chất saponin trong lá vông khi tan trong nước sẽ làm giảm sức căng bề mặt, tạo nhiều bọt, có thể hỗ trợ loại bỏ bã nhờn và lông măng trên da trẻ nhỏ.
Lông măng là gì? Tại sao cần loại bỏ lông măng cho trẻ?
Lông măng ở trẻ nhỏ và lý do cần loại bỏ chúng
Hầu hết các em bé khi mới sinh ra ít nhiều sẽ thấy hiện tượng lông măng trên da. Một số trẻ có lớp lông măng khá dày mọc nhiều ở lưng hoặc toàn cơ thể. Lớp lông măng này tồn tại trên da của trẻ từ những tháng cuối thai kỳ, có tác dụng giữ ấm cho trẻ trong môi trường tử cung. Lông măng giúp giữ lớp chất gây trắng giống như sáp bao bọc bên ngoài cơ thể trẻ trong bào thai.
Thông thường đến những tuần thứ 40 của thai kỳ, lớp lông măng này sẽ biến mất dần, sự bảo vệ da ngày càng kém, cho nên những trẻ sinh già tháng có lớp da nhăn nheo là vậy.
Tuy nhiên, có những bé thì khi sinh ra cho đến 3 tháng sơ sinh hoặc thậm chí tới 1 tuổi vẫn còn lớp lông măng trên lưng, mặt hoặc vành tai… Chúng có thể ảnh hưởng về yếu tố thẩm mỹ và đôi lúc khiến bé bị ngứa ngáy.
Tác dụng của tắm nước lá vông cho trẻ nhỏ
Tắm nước lá vông để loại bỏ dần lông măng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là biện pháp hữu hiệu của lá vông được rất nhiều thế hệ truyền nhau áp dụng. Như đã nói ở trên, lá vông tắm giúp trẻ mát da, làm sạch và sát khuẩn dịu nhẹ cho da của em bé, đồng thời loại bỏ dần dần lớp lông măng gây ngứa ngáy trên da của bé.
Lá vông để tắm có thể dùng lá tươi là tốt nhất hoặc nếu không sẵn, bạn có thể mua lá vông người ta đã làm sạch và phơi khô để bán.
Cách tắm nước lá vông cho trẻ nhỏ
Bước 1: Chuẩn bị nước tắm lá vông
Bạn cần chuẩn bị khoảng 1 nắm lá vông tương, cho vào chậu nước, rửa thật sạch và ngâm nước muối loãng tầm 5-7 phút để sát khuẩn. Vì làn da bé rất mỏng và nhạy cảm nên khâu làm sạch lá vông cần được xử lý kỹ càng.
Dùng tay vò nát lá vông, cho vào nồi chứa khoảng 2 lít nước sạch. Đun nước lá vông đến khi sôi khoảng 5 phút thì tắt bếp.
Bạn đổ nước lá vông vào một khăn xô sạch, lọc bỏ bã để lấy nước lá vông.
Pha thêm nước sạch vào phần nước lá vông nóng sao cho nhiệt độ vừa phải và tiến hành tắm cho bé.
Bước 2: Tắm cho bé bằng nước lá vông
Tắm bé sơ sinh là một công đoạn yêu cầu sự tỉ mỉ, cẩn thận và sạch sẽ. Nguyên tắc quan trọng khi tắm cho bé sơ sinh là cần vệ sinh tay, công cụ dụng cụ sạch sẽ, giữ ấm cho bé khi tắm và hạn chế tắm quá lâu.
Tắm theo trình tự các bộ phận trên cơ thể bé, phần nào đã được làm sạch thì lau khô ngay.
Sau đây là quy trình tắm bé với nước lá vông
Dụng cụ tắm bé cần chuẩn bị
- Chọn nơi để tắm cho bé cần lưu ý phòng tắm cần kín gió, đủ ánh sáng và nhiệt độ khoảng 30 độ
- Chậu tắm thường dùng loại chậu tắm dài cho trẻ và 1 chậu tròn
- Sữa tắm, dầu gội trẻ em
- Khăn bông to để quấn cho bé sau khi tắm và các khăn sữa nhỏ để lau.
- Tăm bông, gạc để làm sạch mũi, tai, cho bé
- Quần áo, tất, nón, bỉm, tã để mặc cho bé sau khi tắm
- Nước tắm gồm nước lá vông pha sẵn nhiệt độ khoảng 38 độ và 1 chậu nước sạch có nhiệt độ tương tự.
Cách thực hiện tắm lá vông cho trẻ nhỏ
- Đầu tiên, mẹ cần cởi bỏ quần áo, bỉm tã của trẻ và nhanh chóng quấn 1 chiếc khăn tắm lên người e bé.
Dùng một cánh tay bế trẻ theo cách cánh tay đỡ lưng và bàn tay xoè rộng đỡ đầu bé. - Sấp khăn sữa vào nước lá và tiến hành lau mặt cho bé theo thứ tự: mắt, mũi, tai, mồm
- Gội đầu cho bé: Lưu ý rằng, tuỳ cha mẹ có thể chỉ tắm gội cho bé bằng nước lá vông hoặc có thể dùng cách tắm gội cho bé bằng dầu gội và sữa tắm như bình thường và lau người bằng nước lá vông.
- Để gội đầu cho bé, bạn cần làm ướt tóc, xoa dầu gội đầu chuyên dụng, xoa từ trước ra sau đầu, tránh để bọt vào mắt trẻ, sau đó rửa sạch, lau khô ngay.
- Tay bạn vẫn đỡ bé đặt nhẹ vào chậu dài chứa nước lá vông, nhẹ nhàng làm sạch cơ thể bé theo thứ tự sau:
+ Làm sạch các phần có nấp gấp, dễ bị bẩn nhất theo thứ tự từ trên xuống như cổ, nách, cánh tay
+ Sấp khăn đẫm nước lau lưng, mông, chân cho bé. Những phần cơ thể có nhiều lông măng, các bạn nên dùng khăn lau thật kỹ để lông măng mau chóng rụng dần.
+ Tiếp đến là vệ sinh bộ phận sinh dục
- Mỗi lần sấp nước lá lau sạch, cần lau tiếp một lần bằng khăn xô thấm nước sạch và vắt khô. Sau khi hoàn tất việc vệ sinh cho mỗi bộ phận cần ngay lập tức lau khô người để bé không bị cảm do dính nước lâu.
- Mặc quần áo, quấn tã cho trẻ để giữ ấm.
Sau khi lau khô người, bạn có thể bôi phấn rôm hoặc kem chống hăm cho bé sau đó cần nhanh chóng mặc quần áo, quấn tã, đeo tất và che thóp cho bé để giữ ấm. Bé bị lạnh có thể sẽ dẫn đến cảm hoặc bệnh đường hô hấp như viêm phổi. - Dùng tăm bông thấm nước muối sinh lý và vệ sinh khoé mắt, mũi, vành tai cho con. Chú ý vệ sinh rốn của trẻ nếu rốn chưa rụng
- Đặt bé lên giường và ủ ấm.
Cần lưu ý điều gì khi cho bé tắm nước lá vông?
Tắm nước lá vông sẽ giúp làm da của trẻ được làm sạch dịu nhẹ, mát da, khiến bé thấy dễ chịu và ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào cơ địa của từng bé, các bậc phụ huynh nên cân nhắc việc sử dụng lá tắm hoặc dùng với tần suất như thế nào.
Làn da của trẻ rất nhạy cảm, một số trẻ dễ bị kích ứng với các chất trong lá cây vông. Vì vậy, trước khi dùng lá vông để tắm cho bé, cần kiểm tra độ phù hợp của nước tắm trên 1 vùng da của trẻ trước khi tắm toàn thân.
Để kiểm tra, bạn có thể lấy một chút nước lá vông đã sắc, bôi lên vùng da dưới cánh tay của trẻ và đợi 1-2 tiếng xem da bé có phản ứng mẩn đỏ hay kích ứng không, sau khi chắc chắn da bé không có phản ứng lạ với nước lá, mới pha nước tắm cho bé.
Việc tắm quá thường xuyên bằng nước lá chưa hẳn đã tốt, cha mẹ nên cân nhắc thực hiện 2-3 lần/tuần. Nước lá vông dùng để tắm cho bé không nên quá đặc, sẽ khiến cặn lá hoặc tinh dầu bám trên cơ thể, khiến màu da của bé bị ảnh hưởng.
Lưu ý khi tắm, không được chà xát quá mạnh dù là vùng da có nhiều lông măng, hành động này không giúp lông măng nhanh rụng mà có thể gây tổn thương làn da của bé.
Nếu lo lắng về tình trạng lông măng của bé, bạn có thể liên hệ và hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa để được hướng dẫn chi tiết về cách tẩy lông cho bé.
Theo: Fonscare.vn