Tụt lợi là vấn đề răng miệng mà rất nhiều người đang gặp phải. Tụt lợi khiến răng dài hơn, chân răng lộ rõ khiến hàm răng kém thẩm mỹ, gây ê buốt răng và nguy cơ răng lung lay, gãy rụng răng. Nếu bạn đang bị tụt lợi và lo lắng không biết phải làm sao để khắc phục và chữa trị, hãy cùng tìm hiểu giải pháp trong bài viết sau đây với chúng tôi nhé.
Mục lục
Tụt lợi là gì?
Tụt lợi hay tụt nướu là tình trạng nướu ở chân răng bị co rút khiến chân răng lộ ra, kèm theo đó là hiện tượng sưng đỏ ở và chảy máu ở nướu. Tình trạng tụt nướu diễn ra từ từ theo thời gian và khi nướu bị tụt quá sâu sẽ phải can thiệp bằng các biện pháp phẫu thuật tạo hình mới có thể khôi phục lại độ che phủ chân răng như ban đầu.
Hiện tượng tụt lợi có thể xảy đến ở mọi độ tuổi, thậm chí là trẻ em. Lợi có thể bị co rút tại mọi vị trí của hàm răng như răng cửa hàm trên, răng cửa hàm dưới, toàn bộ hàm trên, hàm dưới hoặc cả hai hàm răng.
Nguyên nhân dẫn đến tụt lợi
Có rất nhiều yếu tố có thể dẫn đến hiện tượng tụt nướu. Có thể phân loại như sau:
Yếu tố bệnh lý
Tụt lợi được coi là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý răng miệng nguy hiểm như nhiễm trùng nướu, viêm nha chu. Ngoài biểu hiện tụt lợi, triệu chứng của các bệnh lý trên thường gồm: chảy máu chân răng thường xuyên, hôi miệng, có ổ mủ ở nướu, răng lỏng lẻo, khó khăn khi nhai thức ăn.
Sau khi điều trị nha chu: Bệnh nha chu khiến lợi bị tụt sâu xuống dưới chân răng. Điều trị nha chu sẽ giúp chấm dứt tình trạng viêm nhiễm tổ chức quanh răng. Tuy nhiên, sau khi hồi phục, phần lợi bao bọc chân răng đã bị mất đi, chân răng bị lộ ra ngoài nhìn thấy rất rõ.
Các vấn đề mang tính bệnh lý là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng nướu bị co rút. Cần sớm phát hiện và điều trị triệt để các bệnh này mới có thể khiến nướu ngừng bị tụt xuống chân răng.
Yếu tố giải phẫu
Tụt nướu dễ xảy ra với trường hợp xương ổ răng bao bọc chân răng quá mỏng, sang chấn khớp cắn hay răng mọc ngoài cung hàm khiến tình trạng tụt lợi thêm nghiêm trọng.
Ngoài ra, các đối tượng mất răng mà không trồng răng, lâu ngày sẽ bị tiêu xương răng và tụt nướu.
Sang chấn khớp cắn
Sang chấn khớp cắn do lệch hàm khi không có sự cân xứng, cắn khít với nhau. Việc răng mọc lệch khỏi cung hàm khiến việc ăn nhai gặp khó khăn và phát âm không chuẩn và lâu dần sẽ khiến nướu bị co rút gây tụt lợi.
Yếu tố di truyền
Nướu răng có thể nhạy cảm hơn tùy vào cơ địa của mỗi người. Đồng thời, độ vững chắc và tính nâng đỡ của nướu ở mỗi người là khác nhau nên khả năng bị tụt nướu sớm cũng liên quan đến yếu tố gen sẵn có.
Tuổi tác
Tuổi càng cao thì nguy cơ bị tụt lợi càng tăng do mô nướu dần suy yếu, nướu kém đàn hồi, dễ bị co rút. Tình trạng tụt lợi diễn ra âm thầm và thường biểu hiện rõ rệt ở độ tuổi ngoài 50.
Các yếu tố khác
Thói quen chải răng quá mạnh, xỉa răng bằng tăm nhọn, nhai đồ ăn quá cứng hoặc lực kéo khi nắn chỉnh răng quá lớn cũng có thể khiến nướu bị tổn thương, bị tróc khỏi chân răng.
Một số người bị tật nghiến răng khi ngủ có nguy cơ bị tụt nướu cao hơn do lực ép cơ học tác động lên chân răng, ảnh hưởng đến độ bám dính của nướu lên chân răng.
Bên cạnh đó, các thủ thuật phục hình răng như bọc răng sứ, trồng răng giả có thể gây viêm lợi do viền răng giả không tương thích, chèn ép mô lợi bao quanh. Từ đó, nướu có xu hướng tụt sâu vào trong khiến chân răng lộ rõ.
Biểu hiện của tụt lợi
Bệnh co rút nướu có thể biểu hiện theo giai đoạn:
Tụt lợi không nhìn thấy: Nướu sưng đỏ, tuy không nhìn thấy bằng mắt thường nhưng độ bám dính chân răng đã mất, tụt nướu không nhìn thấy chỉ được đo bằng bằng cấy thăm dò quanh răng với vị trí bám dính của biểu mô.
Tụt lợi nhìn thấy: Chúng ta có thể quan sát thấy nướu bị teo rút rõ rệt bằng mắt thường. Các triệu chứng kèm theo bao gồm: Lợi sưng đỏ, đau nhức và thường xuyên bị chảy máu. Hơi thở có mùi hôi và cảm giác răng không chắc chắn, lung lay.
Tụt nướu có phải là một bệnh nghiêm trọng không?
Tụt nướu dẫn đến răng ê buốt, nhạy cảm, dễ bị vi khuẩn tấn công
Có thể thấy răng, răng có vững chắc hay không phụ thuộc rất nhiều vào cấu trúc nướu răng. Khi bị tụt nướu, phần chân răng lộ ra sẽ khiến răng nhạy cảm, dễ bị tác động bởi các yếu tố nhiệt độ nóng, lạnh đột ngột. Hơn nữa, tụt lợi khiến vi khuẩn dễ dàng tấn công và ăn mòn chân răng, khiến chân răng suy yếu, nguy cơ gây tiêu xương ổ răng và khả năng mất răng là rất cao.
Tụt nướu cảnh báo các bệnh lý răng miệng nguy hiểm
Tụt lợi là một trong những triệu chứng rõ ràng nhất, báo hiệu các bệnh lý răng miệng như viêm lợi, viêm nha chu. Đặc biệt, viêm nha chu là bệnh lý răng miệng rất nguy hiểm, ngoài những biến chứng ăn mòn chân răng, tụ mủ nướu, tiêu ổ xương răng gây mất răng mà viêm nha chu còn dẫn đến những bệnh lý nguy hiểm khác như đái tháo đường, tim mạch, huyết áp…có thể nguy hại đến tính mạng. Vì vậy, khi có dấu hiệu tụt nướu, cần khám chữa ngay trước khi bệnh diễn biến quá nặng.
Ảnh hưởng đến thẩm mỹ của hàm răng
Tụt lợi khiến răng trông dài ra nhìn rất kém thẩm mỹ, điều này có thể khiến cho bạn mất tự tin trong giao tiếp. Thêm vào đó, dù các biện pháp chữa trị có thể khiến tình trạng tụt nướu không tiếp tục diễn ra, nhưng hình dạng và độ bao bọc chân răng của nướu lại không thể tự khôi phục lại như lúc ban đầu.
Bị tụt lợi có nên tự chữa trị tại nhà không?
Trước tiên, khi phát hiện dấu hiệu lợi bị tụt, bạn cần mau chóng đi khám tại các cơ sở nha khoa uy tín để được tư vấn chữa trị. Cần chú ý rằng, tụt lợi là trường hợp mô lợi đã bị co rút và teo lại, việc tự chữa trị tại nhà bằng các mẹo dân gian hay chăm sóc răng đơn thuần chỉ có tác dụng ngăn nướu tiếp tục co rút hoặc làm chậm phần nào quá trình tụt lợi. Nếu muốn trị dứt điểm tụt lợi và phục hồi nướu trở lại như cũ, bạn cần được sự thăm khám, thực hiện các thủ thuật nha khoa, thậm chí là các phẫu thuật tạo hình phức tạp.
Điều trị tụt lợi ở nha khoa
Để chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, bác sĩ sẽ phân tích tình trạng tụt lợi của bạn đang ở mức độ nào.
Điều trị tụt lợi nhẹ
Nếu nướu răng mới bị tụt nhẹ, nha sĩ sẽ giúp bạn vệ sinh, làm sạch cao răng và mảng bám trên răng. Sau đó hướng dẫn bạn cách chăm sóc răng miệng và có thể dùng kháng sinh để điều trị các viêm nhiễm nhẹ gây tụt lợi.
Trường hợp tụt lợi kèm theo cảm giác ê buốt, bác sĩ có thể điều trị bằng phương pháp bôi dung dịch fluor lên chân răng hoặc cho ngậm máng plastic chứa gel fluor tại nhà.
Một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng kết hợp laser và dung dịch fluor. Phương pháp này hiệu quả trong việc ngăn ngừa tụt lợi diễn biến thêm và khôi phục bề mặt chân răng, giảm ê buốt hiệu quả.
Đọc thêm: Bị tụt lợi uống thuốc gì?
Điều trị tụt lợi nặng
Đối với các ca tụt lợi gây ra bởi các bệnh lý viêm nhiễm nha chu, mức độ tổn thương lợi khá sâu, lợi bị tụt nhiều. Việc cần làm là điều trị dứt điểm các ổ viêm, sau đó sẽ cân nhắc các phẫu thuật nha khoa cần thiết như sau:
Ghép lợi – Biện pháp khôi phục độ che phủ của nướu với chân răng
Ghép lợi là phương pháp phẫu thuật can thiệp sử dụng tổ chức ghép từ vùng lân cận hoặc các vật liệu ghép nhân tạo với mục đích bù vào tổ chức lợi bị tụt để che chắn, bao bọc lại chân răng.
Việc thực hiện ghép lợi bắt đầu bằng phẫu thuật bóc tách tổ chức ghép. Sau đó phẫu thuật và đưa tổ chức ghép vào vị trí nhận mô ghép. Tiếp theo bác sĩ sẽ làm liền vết thương lại và phủ kín lợi nhân tạo vào vị trí tụt lợi, để tạo tính thẩm mỹ cho toàn khuôn hàm.
Căn cứ vào tổ chức ghép và vật liệu ghép lợi, các phương pháp ghép lợi được phân loại thành:
- Ghép lợi tự do tự thân có thể áp dụng cho tất cả các trường hợp tụt lợi.
- Ghép tổ chức liên kết dưới biểu mô
- Vạt có chân nuôi áp dụng khi mô mềm tại chỗ đủ dày và rộng để kéo che vùng chân răng hở.
- Tái tạo mô có hướng dẫn bằng màng sinh học giúp tạo mô mới thế vào vị trí mô quanh răng đã mất, giúp làm đầy và che phủ chân răng.
Thời gian hồi phục sau phẫu thuật là 6 tuần và khoảng 1 năm để mô nướu tái cấu trúc về như ban đầu. Trong thời gian này, bạn sẽ được bác sĩ hướng dẫn các chăm sóc răng miệng thích hợp để vết thương nhanh liền và tránh khỏi các biến chứng.
Hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng sau khi điều trị tụt nướu
- Vệ sinh răng miệng hàng ngày: Duy trì thói quen đánh răng thường xuyên để hàm răng và khoang miệng luôn sạch sẽ, vi khuẩn không thể tấn công gây ra các bệnh lý răng miệng và tình trạng tụt nướu có thể quay trở lại.
- Lưu ý khi chải răng nên dùng bàn chải có lông tơ mềm, cọ nhẹ nhàng trên răng và nướu và súc miệng thật sạch với nước.
- Tăm chỉ nha khoa giúp làm sạch sâu kẽ răng, khiến thức ăn không bị đọng lại tạo thành cao răng gây ra tụt nướu.
- Dùng kem đánh răng phù hợp, chứa các thành phần có khả năng bảo vệ răng, khắc phục tình trạng ê buốt tại các vị trí chân răng bị lộ.
- Khi ăn uống, đặc biệt khi mới điều trị tụt nướu bằng các phương pháp phẫu thuật, cần lưu ý ăn thức ăn mềm, không nhai quá mạnh, tránh đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh có thể khiến răng mẫn cảm.
- Tái khám định kỳ theo dặn dò của bác sĩ.
Bệnh tụt lợi không thể tự khỏi nên để tình hình không xấu đi, tốt nhất bạn hãy đi khám nha sĩ để có hướng điều trị phù hợp, đồng thời thực hiện chăm sóc răng miệng tại nhà thật tốt để có hàm răng khỏe đẹp, nụ cười tươi tắn. Cảm ơn các bạn đã đón đọc.