Tụt lợi là bệnh lý răng miệng không còn xa lạ với nhiều người. Nếu bị tụt lợi thì cần phải làm gì? Uống hay bôi thuốc gì để điều trị tụt lợi? Nếu bạn có cùng thắc mắc trên hãy cùng tìm hiểu với chúng tôi trong bài viết sau.
Những ai dễ bị tụt lợi?
Người lớn tuổi
Trong các bệnh lý răng miệng thì tụt lợi là bệnh nha khoa có thể bị ảnh hưởng bởi tuổi tác. Tụt lợi là hiện tượng co rút phần nướu bao bọc chân răng khiến chân răng bị lộ ra. Khi lớn tuổi, cơ thể bước vào giai đoạn lão hóa, nướu răng cũng không thể loại trừ khỏi sự suy thoái. Suy thoái nướu khiến kết cấu mô nướu không còn bền chắc như thời còn trẻ, khi đó răng lỏng lẻo, tụt lợi và hàng loạt các vấn đề răng miệng có thể diễn ra cùng lúc.
Hiện tượng tụt lợi ở người già gọi là tụt lợi sinh lý. Tình trạng này diễn ra âm thầm và biểu hiện rõ rệt khi ở độ tuổi ngoài 50. Tụt nướu sinh lý rất khó chữa trị, gần như không có phương pháp nào ngăn nướu không suy thoái, mà chỉ có thể làm chậm quá trình này bằng các phương pháp điều trị hỗ trợ.
Người vệ sinh răng miệng kém
Những người không chú trọng chăm sóc, vệ sinh răng miệng có nguy cơ cao bị tụt lợi. Sở dĩ như vậy là vì, tụt lợi là triệu chứng cũng là hậu quả của các bệnh viêm nhiễm nướu, sâu răng, viêm quanh răng. Mà nguyên nhân gây ra các bệnh lý này là do vi khuẩn sinh sôi trong điều kiện răng nhiều mảng bám, vôi răng không được làm sạch kỹ càng.
Người bị mất răng hoặc răng khấp khểnh
Khi bị mất răng, xương ổ răng tiêu biến kết hợp với tác động của lực nhai thức ăn, phần lợi ở chân răng bị mất dễ bị co kéo và không có răng để bám víu, khả năng tụt lợi tăng cao. Ngoài ra, một số người có cấu trúc xương ổ răng bao phủ bề mặt chân răng mỏng hoặc răng mọc lệch ra ngoài cung hàm là đối tượng dễ bị tụt lợi. Do sự sai lệch khớp răng và sự co kéo nướu trong quá trình ăn uống, về lâu về dài sẽ khiến nướu co rút theo.
Nắn chỉnh nha không đúng cách, răng giả hoặc hậu điều trị nha chu
Lực kéo quá mạnh tác động lên răng trong quá trình nắn chỉnh răng kéo theo nướu cũng phải dịch chuyển bất thường và biến dạng. Ngoài ra, làm răng giả hoặc bọc sứ chất lượng kém cũng có thể gây tụt lợi chân răng.
Viêm nha chu là bệnh lý gây tụt lợi nặng nề, sau khi điều trị khỏi nha chu thì di chứng để lại là phần lợi bị tụt không thể bù lại, chỉ can thiệp phẫu thuật mới phục hình cho nướu được.
Dấu hiệu bị tụt lợi
Tụt lợi thường không biểu hiện cấp tính mà diễn ra từ từ với các triệu chứng như sau:
- Sưng đỏ, đau nhức lợi;
- chảy máu lợi khi đánh răng, xỉa răng;
- Màu sắc lợi nhợt nhạt, răng lung lay;
- Xuất hiện tình trạng hôi miệng;
- Khi tụt lợi biểu hiện rõ, chân răng lộ, thân răng dài ra nhìn rất kém thẩm mỹ.
Tụt lợi nếu không điều trị có nguy hiểm không?
Chính bởi bệnh lý tụt lợi không biểu hiện dồn dập, có thể còn không có cảm giác đau đớn gì nên nhiều người thường chủ quan, bỏ mặc không điều trị. Chỉ đến lúc bệnh diễn biến nặng hơn mới đến nha sĩ thì việc điều trị lúc này sẽ khó khăn và tốn kém nhiều hơn. Những ảnh hưởng xấu của bệnh tụt lợi đến sức khỏe và ngoại hình có thể kể đến như:
Răng nhạy cảm, ê buốt
Tụt lợi khiến chân răng không được che phủ, dần bị ăn mòn bởi axit và lộ ra các ống ngà. Hiện tượng này dẫn đến răng bị quá mẫn, dễ ê buốt khi gặp điều kiện nhiệt độ thay đổi đột ngột như ăn đồ ăn nóng, lạnh.
Nguy cơ mất răng
Tình trạng nướu bị co rút khiến khả năng nâng đỡ chân răng suy giảm, răng dễ bị lung lay, kết hợp với các tác nhân gây viêm nhiễm khiến xương ổ răng dần bị tiêu biến, răng sẽ tự động gãy rụng.
Phần chân răng không được che phủ dễ bị vi khuẩn tấn công gây mòn chân răng và hình thành các ổ viêm rất nguy hiểm. Có thể thấy rằng, tụt lợi không chỉ là một bệnh lý suy thoái nướu đơn thuần mà nó còn là triệu chứng của các bệnh răng miệng khác. Đặc biệt là bệnh viêm nha chu, một dạng nhiễm trùng răng miệng nghiêm trọng, cần sớm khám chữa và điều trị.
Ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài
Khi lợi bị teo rút, chân răng lộ khiến răng dài ra, khoảng trống kẽ răng cũng bị rộng ra theo khiến tổng thể hàm răng nhìn kém thẩm mỹ. Hơn nữa tụt lợi thường đi kèm với hôi miệng khiến chúng ta mất đi tự tin trong giao tiếp hàng ngày.
Dùng thuốc để điều trị tụt lợi như thế nào
Nói về phương pháp chữa trị bệnh tụt lợi bằng thuốc, độc giả nên hiểu rằng, không có bất kỳ loại thuốc đặc trị nào có thể chữa khỏi tụt lợi hoàn toàn. Để đạt được hiệu quả điều trị tụt lợi cao nhất, bạn cần kết hợp giữa nhiều biện pháp nhằm chấm dứt các bệnh gốc gây ra tụt lợi và phục hồi phần lợi đã bị mất đi.
Các loại thuốc sẽ được sử dụng xen kẽ vào quá trình điều trị như sau:
Thuốc sát trùng
Thuốc sát khuẩn, làm sạch răng có thành phần chlorhexidin, hexetidin, zin gluconat, chlorin dioxide… thường được bác sĩ sử dụng sau quá trình lấy cao răng. Sau đó, tùy vào tình trạng răng miệng bệnh nhân có đang bị viêm nhiễm hay không để kê đơn các thuốc kháng sinh, giảm sưng đau. Các loại thuốc thường được chỉ định gồm có:
Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh Azithromycin
Azithromycin thuộc nhóm kháng sinh có khả năng ức chế, ngăn chặn vi khuẩn phát triển trong khoang miệng, hiệu quả chữa trị các nhiễm trùng răng miệng. Tuy nhiên, các tình huống được nha sĩ chỉ định Azithromycin là đối với những người bị dị ứng thuốc thuộc nhóm penicillin hoặc tình trạng nhiễm trùng không đáp ứng với những thuốc nêu trên.
Liều azithromycin điển hình là 500 mg mỗi 24 giờ trong 3 ngày liên tiếp.
Thuốc kháng sinh Metronidazole
Metronidazole là một loại kháng sinh được sử dụng phổ biến cho các trường hợp nhiễm trùng là do tác nhân kỵ khí gây ra. Thuốc được kê phối hợp với các nhóm kháng sinh khác để điều trị nhiễm khuẩn.
Liều dùng cho metronidazole là khoảng 500 đêm 750 mg mỗi 8 giờ.
Thuốc kháng sinh Doxycycline
Thuốc kháng sinh Doxycycline là nhóm kháng sinh chống viêm thường được chỉ định cho các bệnh lý răng miệng. Thuốc có xuất xứ từ Ấn độ và dùng theo đơn thuốc của bác sĩ.
Thành phần thuốc: Doxycycline 100mg
Các nhóm thuốc Cyclin gồm OxytetraCyclin, ChlortetraCyclin, DemecloCyclin, MinoCyclin, MethaCyclin cũng có thể sử dụng thay thế với tác dụng giảm viêm sưng, đau nhức.
Thuốc kháng sinh Ciprofloxacin
Ciprofloxacin là loại thuốc kháng sinh thường được ưu tiên sử dụng cho các trường hợp nhiễm khuẩn nghiêm trọng như viêm nha chu bởi tính năng ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn hiệu quả.
Liều dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Lưu ý đối với việc sử dụng thuốc là tính chất hai mặt của thuốc kháng sinh. Thuốc chỉ phát huy hết tác dụng và trị dứt điểm bệnh nếu được sử dụng đúng, đủ liệu trình. Ngược lại, nếu bỏ thuốc giữa chừng hoặc tự ý đổi thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ, bệnh sẽ không chấm dứt mà còn bị tái diễn nhiều lần.
Các nhóm thuốc kháng sinh kể trên không chỉ hỗ trợ điều trị viêm nhiễm trong khoang miệng, chúng cũng thường được kê sau khi bệnh nhân được thực hiện các loại phẫu thuật phục hình nướu như ghép vạt lợi, ghép mô xương răng…với mục đích là chống nhiễm trùng bội nhiễm.
Gel bôi trị ê buốt do tụt lợi và hở cổ răng
Đối với đối tượng bị tụt lợi kèm theo ê buốt răng do chân răng bị lộ nhiều, bác sĩ có thể áp dụng một số phương pháp trị liệu có sử dụng các loại thuốc bôi sau:
Gel bôi Emofluor trị tụt lợi và hở cổ chân răng
Gel có xuất xứ Thụy Sỹ, rất phổ biến trong điều trị ê buốt chân răng và đau nhức nướu, đồng thời emofluor gel cũng có tác dụng chống sâu răng.
Đặc điểm của thuốc là chứa stannous fluoride ở dạng gel hiệu quả trong việc giúp răng hấp thụ fluoride nhanh chóng, mang lại hiệu quả lý tưởng trong điều trị răng miệng.
Cách dùng: người lớn và trẻ em từ 6 tuổi trở lên dùng 1 lần vào buổi tối để phòng chống các bệnh lý răng miệng.
Dùng mỗi ngày 3-4 lần đối với các trường hợp tụt lợi và hở cổ răng nặng.
Gel bôi ngăn ngừa ê buốt Sensikin
Sensikin Gel giúp giảm ê buốt nhanh chóng, đối với bệnh nhân bị tụt nướu răng, khi bôi Sensikin Gel sẽ bị ê buốt mạnh tức thời do gel chuyển dịch trong vùng cổ răng bị lộ, sau đó sẽ nhanh chóng trở lại bình thường, không còn ê buốt.
Thành phần chính: Sodium Fluoride 0.22% (1000ppm), Potassium Nitrat (KNO3) 10%
Cách dùng
Bôi Sensikin gel 4-5 lần/ngày, cách 4h/1 lần, trước hoặc sau khi ăn 30 phút, không súc miệng sau khi bôi gel, nên bôi trước khi đi ngủ. Liệu trình trong khoảng 7 ngày.
Như vậy, qua bài viết này, bạn đọc đã có thêm kiến thức về điều trị tụt lợi. Hy vọng bạn hiểu được tầm quan trọng của việc sớm chữa trị bệnh tụt lợi và biết cách chăm sóc răng miệng tốt hơn. Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, cách kiểm soát tình trạng răng miệng và điều trị hiệu quả nhất là khám răng định kỳ với thời gian khoảng 4-6 tháng/ lần. Chúc các bạn sức khỏe.