Các vấn đề về răng miệng gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống của chúng ta. Một trong những bệnh lý răng miệng thường gặp nhất phải kể đến là tụt lợi. Tình trạng này thường diễn ra từ từ và không biểu hiện triệu chứng dữ dội. Tuy nhiên, nếu không điều trị tụt lợi sớm, có thể dẫn đến các vấn đề phức tạp hơn. Các phương pháp điều trị phổ biến có thể kể đến các điều trị nội khoa, phẫu thuật ngoại khoa. Đặc biệt, điều trị bằng Đông y cũng là một lựa chọn điều trị mà Yên tâm sống khỏe muốn giới thiệu tới các bạn trong bài viết sau đây.
Mục lục
Tụt lợi là hiện tượng gì?
Tụt lợi là hiện tượng chân răng bị lộ ra ngoài do sự co rút của rìa nướu vào sâu chân răng. Tụt lợi có thể xảy ra ở một vài răng, hàm trên, hàm dưới hoặc toàn bộ hàm răng ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và nguy cơ kéo theo nhiều vấn đề răng miệng khác nghiêm trọng hơn.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ người bị tụt lợi chiếm tới 50% các vấn đề về răng miệng. Tỷ lệ tụt lợi liên quan đến các yếu tố vệ sinh răng miệng, bệnh lý, chấn thương, tuổi tác, giới tính…cụ thể như sau:
Nguyên nhân gây tụt lợi
Vệ sinh răng miệng không tốt: Thói quen vệ sinh răng miệng kém là một nguyên nhân hàng đầu gây tụt lợi. Bởi vì, răng miệng không được làm sạch kỹ càng có thể tích lũy mảng bám và hình thành cao răng. Khi cao răng ngày càng nhiều lên sẽ ăn sâu xuống nướu kèm theo các viêm nhiễm nướu và nha chu, khiến cho cấu trúc nướu lỏng lẻo, kém đàn hồi và tụt dần, lộ ra chân răng.
Tuổi già: Khi còn trẻ, mô nướu có khả năng đàn hồi và tái tạo tốt hơn khi đã về già. Vì vậy, từ khoảng tuổi 50 trở đi, tỷ lệ người bị tụt nướu là rất cao, chiếm tới 90%.
Yếu tố khôi phục kém: Tụt lợi sau khi thực hiện các kỹ thuật chỉnh hình hoặc làm răng thẩm mỹ như bọc răng sứ, trồng răng giả do viền răng giả không tương thích với nướu sẽ gây chèn ép, dẫn đến tụt lợi.
Yếu tố giải phẫu: tình trạng răng khấp khểnh, không đều nhau, hơi nhô ra ngoài thì phần nướu bao bọc chân răng có thể sẽ mỏng và hẹp hơn, dễ bị tụt nướu.
Lực tác động mạnh: Các yếu tố như thói quen chải răng quá mạnh, dùng bàn chải lông cứng, lực cắn, nhai thức ăn mạnh cũng như lực kéo lớn khi nắn chỉnh răng đều là tác nhân gây tụt lợi.
Sau khi điều trị viêm nha chu: Viêm nha chu khiến lợi bị tụt sâu, điều trị viêm nha chu sẽ chấm dứt tình trạng viêm nhiễm, tuy nhiên nướu bị tổn thương và tụt sâu sẽ khó hồi phục như ban đầu.
Đọc thêm: Tại sao niềng răng bị tụt lợi?
Tụt lợi gây ra hậu quả gì?
Trước tiên, tụt lợi khiến chân răng bị lộ ra, răng dài hơn ảnh hưởng đến thẩm mĩ của hàm răng, khiến bạn mất tự tin trong giao tiếp. Không chỉ thế, tụt lợi còn là kết quả của rất nhiều bệnh lý răng miệng nguy hiểm, có thể gây ê buốt, đau nhức, tiêu xương răng, gãy rụng răng sớm. Vì vậy, cần điều trị tụt nướu chân răng sớm nhất có thể.
Điều trị tụt lợi thế nào cho hiệu quả?
Tụt nướu có thể phân loại theo mức độ:
- Tụt lợi nhẹ: Chưa biểu hiện rõ ràng, không nhìn thấy bằng mắt thường, chỉ có thể phát hiện bằng cách đo độ bám dính của mô nướu và cấy thăm dò quanh răng.
- Tụt lợi nặng: Có thể quan sát bằng mắt thường, lợi tụt sâu xuống chân răng khiến răng trông dài ra, đi kèm các biểu hiện sưng lợi, chảy máu chân răng khi đánh răng và dùng tăm chỉ nha khoa, hôi miệng và cảm giác răng bị lung lay.
Để điều trị tụt lợi, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh của từng người để có phương án điều trị thích hợp.
Điều trị tụt lợi mức độ nhẹ
Các biện pháp điều trị áp dụng với người bị tụt lợi nhẹ đó là làm sạch sâu răng miệng, lấy cao răng và hướng dẫn chăm sóc răng miệng tại nhà. Một số trường hợp tụt lợi có biểu hiện viêm nướu có thể cần sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ định.
Điều trị tụt lợi mức độ nặng
Phẫu thuật và tạo hình nha chu: Đây là phương pháp phổ biến được áp dụng để làm sạch túi nha chu và giảm kích thước các túi nha bằng cách nạo sạch túi nha để loại bỏ vi khuẩn và khâu mô lợi ở gốc răng.
Phẫu thuật ghép mô nướu: Phương pháp phẫu thuật ghép mô nướu giúp khôi phục phần lợi che phủ chân răng giải quyết tình trạng tụt lợi nặng. Phẫu thuật ghép nướu có thể là ghép lợi tự thân bằng vạt niêm mạc của vùng răng lân cận hoặc sử dụng vật liệu ghép như mô sinh học từ động vật hoặc mô nướu của cơ thể khác để cấy ghép.
Tái tạo mô xương: Với người bệnh tụt lợi mà mô xương nâng đỡ răng đã bị phá hủy, nếu đủ điều kiện, có thể yêu cầu áp dụng một thủ thuật để cải tạo lại phần mô xương bị mất. Giống như ghép mô nướu, bác sĩ sẽ sử dụng một vật liệu tái tạo như màng ghép, mô ghép hoặc protein kích thích mô để thực hiện tái tạo lại xương và các mô một cách tự nhiên.
Các phương pháp phẫu thuật tạo hình hoặc cấy ghép nướu có thể khôi phục phần lợi bị tụt và mang lại vẻ đẹp thẩm mỹ cho hàm răng. Tuy nhiên, đây là các biện pháp điều trị phức tạp và khá tốn kém. Đối với các trường hợp tụt nướu không quá nghiêm trọng mà nguyên nhân là do biến chứng của bệnh viêm nướu hay viêm nha chu nhẹ. Bạn đọc có thể lựa chọn phương pháp Đông y để chữa trị, khắc phục tình trạng tụt nướu như sau:
Các bài thuốc chữa tụt nướu bằng Đông y
Bài thuốc số 1
Các vị thuốc gồm có: 10g Hoàng liên, 10g Hoàng cầm, 12g Chi tử, 18g Lá hương nhu, 24g Rau má, 12g Đương quy, 12g Cam thảo, 16g Đan sâm.
Cách thực hiện
Sắc tất cả các vị thuốc nói trên với một nồi nước đầy đến khi cạn còn 1/3 thì để nguội rồi uống. Uống nước thuốc ngày 3 lần sau khi ăn cơm.
Công dụng
Bài thuốc giúp kháng viêm, thanh nhiệt giảm sưng và viêm nướu, điều trị chảy máu lợi và ngăn chặn hiện tượng tụt nướu.
Bài thuốc số 2
Vị thuốc gồm: 16g Nam hoàng bá, 16g Rễ cây xấu hổ, 16g Rễ cỏ xước, 16g Nam tục đoạn, 12g Bạch truật, 12g Liên nhục, 10g Trần bì, 12g Cam thảo.
Cách thực hiện
Sắc các vị thuốc trên thành nước thuốc, chia làm 3 bát uống vào sáng, trưa, tối. Một thang thuốc có thể sắc uống đến lần thứ 3.
Công dụng
Bài thuốc rất hữu hiệu trong việc điều trị viêm nha chu bởi khả năng chống viêm, tiêu sưng, giúp loại bỏ nguyên nhân gây tụt lợi.
Bài thuốc số 3
Các vị thuốc gồm: 10g hoa mộc, 15g hoa cúc khô, 4g tế tân, 15g địa cốt bì, đem sắc chung với nước sạch. Chia nước sắc thành một phần nước thuốc dùng để uống và một phần để súc miệng sau khi đã vệ sinh răng miệng.
Công dụng
Bài thuốc này giúp điều trị đau răng, sưng lợi, chảy máu chân răng và hôi miệng, ngăn chặn nguy cơ tụt lợi.
Bài thuốc số 4
Các vị thuốc gồm: 12g Ngưu bàng tử, 8g bạc hà ,16g hạ khô thảo, 16g kim ngân hoa, 20g bồ công anh, 8g gai bồ kết . Sắc lấy nước uống 2 lần/ ngày. Một thang thuốc sắc được 1 lần.
Công dụng
Uống nước thuốc hàng ngày để thanh nhiệt, sát khuẩn, chống nhiễm trùng, rất hiệu quả trong việc điều trị viêm nướu, nguyên nhân dẫn đến tụt nướu.
Bài thuốc số 5
Bài 1: 12g Sinh địa,12g huyền sâm, 12g sa sâm, 12g quy bản, 12g thạch hộc, bạch thược 8g, kim ngân hoa 16g, ngọc trúc 12g, câu kỷ tử 12g, thăng ma 12g. Sắc với nước rồi uống ngày 1 thang chia thành 2 lần.
Công dụng
Bài thuốc này công hiệu trong việc điều trị viêm chân răng, tiêu mủ ở nướu, hồi phục độ đàn hồi và tính nâng đỡ của nướu.
Chữa tụt lợi bằng đông y có hiệu quả không?
Trên đây là các bài thuốc Đông y thường được áp dụng để trị chứng tụt nướu do viêm lợi, viêm nha chu. Bạn đọc nên biết rằng, việc lựa chọn điều trị bằng Đông y chỉ giúp ngăn chặn tình trạng tụt nướu không bị nặng thêm, dần nuôi dưỡng nướu và răng chắc khỏe. Phương pháp này không thể làm đầy nướu và khôi phục chiều cao của nướu như lúc ban đầu. Vì vậy, khi có hiện tượng tụt lợi, bạn nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa trước tiên để đánh giá tình trạng của bệnh và đưa ra những cách điều trị phù hợp nhất.
Cách chăm sóc răng miệng giúp hạn chế tình trạng tụt lợi
Chải răng đúng cách: Chải răng kỹ càng nhưng không dùng lực quá mạnh để gây tổn thương nướu. Nên sử dụng bàn chải có lông mềm để vệ sinh răng miệng ít nhất 2 lần/ ngày.
Súc miệng bằng nước muối loãng hoặc nước muối sinh lý: Nước muối có tác dụng sát khuẩn và giúp nướu chắc khỏe hơn. Chúng ta nên súc miệng bằng nước muối trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy sẽ rất tốt cho răng miệng và vòm họng.
Làm sạch răng bằng chỉ nha khoa: Để loại bỏ tối đa vụn thức ăn thừa, mảng bám tại các vị trí khó làm sạch giúp hạn chế việc hình thành cao răng, vì đây là một trong những nguyên nhân chính gây tụt lợi chân răng.
Khám nha khoa định kỳ: Thường xuyên thăm khám nha khoa, khoảng 6 tháng/lần để lấy cao răng và kiểm soát các vấn đề răng miệng, phát hiện sớm các bệnh lý răng miệng có thể gây ra tụt lợi.
Lựa chọn kem đánh răng phù hợp, hỗ trợ điều trị tụt nướu chân răng.
Như vậy, qua bài viết có thể thấy tình trạng tụt nướu chân răng cần điều trị sớm để tránh diễn biến nặng hơn và phải dùng đến các biện pháp phẫu thuật tốn kém. Hy vọng bạn đọc đã có thêm nhiều thông tin bổ ích để tự chăm sóc sức khỏe răng miệng cho bản thân.