Hầu như ai cũng gặp phải tình trạng hôi miệng một lần. Nhưng đối với một số người, hôi miệng là một vấn đề hàng ngày và họ phải vật lộn để tìm ra giải pháp. Hôi miệng hay hơi thở có mùi gây ra bởi các nguyên nhân trong và ngoài khoang miệng. Có một số người không nhận thức được tình trạng hôi miệng của bản thân để khắc phục, gây ra không ít phiền toái khi tiếp xúc với người xung quanh. Hôi miệng ảnh hưởng nhiều đến mối quan hệ cá nhân và chất lượng cuộc sống của một người. Bài viết này tập trung tìm hiểu về nguyên nhân gây hôi miệng, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Các nguyên nhân gây hôi miệng
Do vấn đề răng miệng nói chung
Hầu hết hôi miệng là do vệ sinh răng miệng kém. Nếu bạn không làm sạch răng và khoang miệng thường xuyên, các mảnh thức ăn có thể vẫn còn trong miệng và mắc kẹt trên răng. Bề mặt không bằng phẳng của lưỡi cũng như amidan có thể giữ lại các mảnh thức ăn và vi khuẩn trong miệng sẽ phân hủy chúng, tạo ra mùi hôi miệng.
Vệ sinh răng miệng kém cũng gây ra các tình trạng sức khỏe răng miệng khác như sâu răng và bệnh nướu răng cũng gây ra triệu chứng đến hôi miệng. Duy trì một thói quen chăm sóc răng miệng nhất quán và kỹ lưỡng là cách tốt nhất chống lại hơi thở có mùi.
Các bệnh lý nhiễm trùng răng miệng nghiêm trọng như viêm nha chu có thể gây hôi miệng nặng, cảm giác hơi thở có mùi sẽ thường trực cả ngày cho đến khi bạn điều trị dứt điểm các viêm nhiễm đó.
Đọc thêm: Tại sao đánh răng xong vẫn có mùi hôi miệng?
Ăn thức ăn & đồ uống có mùi vị nặng
Sau khi ăn một số loại thực phẩm nặng mùi như hành, tỏi, một số loại rau và gia vị — các thành phần gây mùi sẽ ngấm vào máu và được đưa đến phổi, phát ra mùi trong hơi thở.
Cà phê
Uống cà phê thường xuyên cũng có thể gây mùi hôi miệng, nguyên nhân là do cafein trong cà phê có thể ức chế tuyến nước bọt khiến giảm tiết nước bọt. Từ đó miệng bị khô và vi khuẩn gây mùi hoạt động mạnh mẽ hơn dẫn đến hôi miệng.
Rượu, bia
Rượu, bia là một thủ phạm khác của hơi thở có mùi, vì vậy bạn càng uống nhiều rượu, bia – càng có nhiều khả năng gặp phải tình trạng này. Uống rượu bia, đặc biệt là uống quá mức cũng giống như caffein sẽ làm giảm tiết nước bọt và gây hôi miệng. Ngoài ra, rượu bia có khả năng đầu độc hệ thần kinh, dùng đồ uống có cồn khiến mọi cơ quan trong cơ thể nhanh chóng bị lão hóa, kèm theo là các bệnh tật nguy hiểm.
Chế độ ăn nhiều đường
Ngoài các món ăn cay nóng và nặng mùi, chế độ ăn uống nhiều đường và protein cũng có thể dẫn đến hôi miệng. Chế độ ăn nhiều đường có thể dẫn đến hôi miệng và có thể là thủ phạm gây ra chứng hôi miệng do đường tương tác với vi khuẩn hiện có trong miệng của bạn. Các vi khuẩn tồn tại tự nhiên trong miệng của bạn sẽ ăn đường biến đồ ngọt thành mùi chua.
Chế độ ăn giàu protein hoặc ít carb
Thực phẩm giàu protein đôi khi gây khó tiêu hóa và có xu hướng giải phóng khí lưu huỳnh khi chúng không chuyển hóa. Để hạn chế hôi miệng do ăn nhiều protein, bạn cần cân đối lại chế độ ăn với lượng protein vừa phải và bổ sung nhiều rau và thực phẩm giàu chất xơ.
Một chế độ ăn nhiều protein và ít carb thường được áp dụng với mục đích giảm cân hay còn gọi là ăn theo chế độ keto có thể thay đổi quá trình trao đổi chất trong cơ thể bạn bằng các phản ứng sinh, hóa học. Sản phẩm từ các quá trình này có mùi như chất acetone có thể gây hiện tượng hôi miệng.
Có thể bạn muốn biết: Nguyên nhân khiến hơi thở có mùi mỗi khi đói bụng?
Hút thuốc
Thuốc lá khiến miệng bị khô, thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn gây mùi. Ngoài ra, chúng còn làm hỏng mô nướu và gây ra các bệnh về nướu.
Vấn đề tiêu hóa
Các bệnh tiêu hóa từ dạ dày, đường ruột đều có thể gây ra mùi khó chịu cho hơi thở. Đặc biệt, bệnh trào ngược dạ dày là một nguyên nhân chiếm đa số các ca hôi miệng. Dịch dạ dày bao gồm axit dạ dày và thức ăn chưa được tiêu hóa, bị trào ngược lên phía thực quản do van dạ dày bị hở, nên hôi miệng thường kèm theo triệu chứng ợ chua, ợ nóng, đau rát thực quản. Để loại bỏ hoàn toàn hôi miệng trong trường hợp này cần khám chữa nghiêm túc và trị tận gốc các bệnh lý tiêu hóa trên.
Khô miệng
Nước bọt cũng có tính sát khuẩn, loại bỏ các mảnh thức ăn dẫn đến hôi miệng. Khi quá trình sản xuất nước bọt bị ngưng trệ hoặc ngừng lại, miệng sẽ bị khô một tình trạng được gọi là xerostomia, hơi thở có mùi có thể xảy ra sau đó. Điều này xảy ra một cách tự nhiên trong khi bạn ngủ, đó là lý do tại sao hầu hết mọi người đều thấy hơi thở của mình có mùi hôi khi thức dậy. Nhưng nếu thấy miệng khô và hơi thở hôi suốt cả ngày, cần khám xét và điều trị.
Do ảnh hưởng của thuốc
Một số loại thuốc kê toa có tác dụng phụ là khô miệng. Như đã phân tích ở trên, tình trạng khô miệng có thể dẫn đến hôi miệng. Ngoài ra, một số loại thuốc, khi bị phân hủy trong cơ thể, giải phóng các hóa chất có thể được đưa qua dòng máu đến hơi thở của bạn.
Các loại thuốc gây hôi miệng điển hình:
- Thuốc kháng histamin H1 chữa dị ứng: promethazin hydroclorid, clorpheniramin maleat, diphenhydramin hydroclorid, loratadin, cetirizin hydroclorid…
- Thuốc kháng sinh: carbenicillin, colistin, carboxypenicillin, penicillin
- Thuốc chống trầm cảm: fluoxetine, amitriphtylin…
- Thuốc lợi tiểu (triamterene): Là một thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali có thể ngăn chặn cơ thể hấp thụ quá nhiều muối và ngăn ngừa tình trạng nồng độ kali máu quá thấp. Triamterene được sử dụng để điều trị tình trạng giữ nước (phù) ở những người bị suy tim sung huyết, xơ gan hoặc hội chứng thận hư. Tác dụng phụ của thuốc gây khô miệng và hôi miệng.
- Thuốc điều trị co giật, động kinh
- Thuốc chữa trào ngược dạ dày
Các nguyên nhân khác
Các vấn đề ở mũi như chảy dịch mũi, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm amidan, bệnh viêm xoang hoặc tiểu đường, thêm vào đó là các vấn đề về gan, thận hoặc rối loạn máu đều khiến hơi thở có mùi. Hôi miệng là một triệu chứng nhỏ đi theo các biểu hiện của bệnh, bạn nên sớm điều trị tránh để các căn bệnh này gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Đọc chi tiết: Thực hư về chuyện hơi thở có mùi do hở van dạ dày
Các mẹo chữa trị hôi miệng tại nhà
Vệ sinh răng miệng tốt
Thực hiện vệ sinh răng miệng tốt đã giúp ngăn ngừa đến 80% nguy cơ gây hôi miệng. Làm sạch răng hàng ngày, hạn chế sự tích tụ mảng bám là chìa khóa để duy trì một miệng khỏe mạnh . Bạn nên đánh răng bằng kem đánh răng có fluor trong hai phút ít nhất hai lần mỗi ngày (sáng và tối).
Để ngăn vi khuẩn phát triển trên các mảnh thức ăn mắc kẹt trong kẽ răng, hãy dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng sau khi ăn.
Vi khuẩn cũng có thể tích tụ trên lưỡi, gây ra mùi hôi. Phương pháp cạo lưỡi bằng bàn chải đánh răng hoặc dụng cụ cạo lưỡi chuyên dụng, chải hoặc cạo lưỡi ít nhất một lần mỗi ngày có thể giúp bạn loại bỏ lớp màng mỏng này.
Sử dụng rau mùi tây chữa hôi miệng
Mùi tây là một phương thuốc dân gian phổ biến để chữa hôi miệng. Hương thơm tươi mát và hàm lượng chất diệp lục cao cho thấy nó có thể có tác dụng khử mùi, có thể chống lại các hợp chất lưu huỳnh gây hôi một cách hiệu quả.
Súc miệng với nước Đinh hương
Eugenol là một chất rất quan trọng trong việc điều trị các bệnh về răng miệng. Hàm lượng cao nhất của nó có trong cây đinh hương. Hiện nay, sau khi nhổ răng, các nha sĩ đã ứng dụng chất này để làm giảm cơn đau nhờ tác dụng làm tê. Ngoài ra, đinh hương còn có tác dụng khử trùng và kháng viêm hiệu quả. Do đó, đinh hương đã được nhiều người sử dụng để cải thiện chứng hôi miệng.
Có 2 cách sử dụng đinh hương để trị hôi miệng, thực hiện vô cùng đơn giản như sau
Đinh hương nhai trực tiếp
- Chuẩn bị: 3 – 4 lát hoa đinh hương được phơi khô.
- Nguyên liệu đã chuẩn bị được ngậm trong thời gian 5 phút. Trong thời gian đó nên nhai nhỏ để có thể sử dụng được toàn bộ chất có trong đinh hương,
- Nhổ bỏ bã, dùng nước ấm để súc miệng, giúp các bã hoa có thể được loại sạch.
- Nên kiên trì thực hiện, sau 3 – 4 lần bạn có thể thấy ngay tác dụng rõ rệt của nó.
Ngoài ra, có thể sử dụng hạt đinh hương với cách làm tương tự.
Đinh hương được tán nhỏ thành bột và dùng hàng ngày
- Chuẩn bị: đinh hương tán nhỏ, cất vào lọ để dùng cho những lượt sau.
- Cho một chút bột vào miệng và ngậm.
- Có thể nuốt, các chất trong đinh hương sẽ hạn chế sự phát triển của vi khuẩn tạo mùi, có thể giúp hơi thở thơm tho, tình trạng hôi miệng được cải thiện.
Uống nước ép dứa
Uống một ly nước ép dứa sau mỗi bữa ăn hoặc nhai một lát dứa trong một đến hai phút là một mẹo hay để giảm hôi miệng tức thì.
Uống nước
Uống nước có tác dụng rất tốt với triệu chứng hôi miệng, nước rửa trôi vi khuẩn và giúp giữ ẩm cho khoang miệng, đồng thời tăng cường chuyển hóa trong cơ thể. Mỗi ngày bạn nên uống tám cốc nước trở lên.
Sữa chua
Sữa chua có chứa lợi khuẩn được gọi là lactobacillus. Những vi khuẩn lành mạnh này có thể giúp chống lại vi khuẩn gây hại trong các bộ phận khác nhau của cơ thể, chẳng hạn như ruột của bạn.
Probiotics trong sữa chua có hiệu quả trong việc giảm mức độ nghiêm trọng của hơi thở có mùi.
Nhai vỏ trái cam
Cam là loại trái cây giàu vitamin C, rất tốt cho răng và nướu. Sau khi ăn trái cam bạn đừng vội vứt bỏ phần vỏ mà có thể rửa sạch và nhai kỹ trong 1 phút. Cách này giúp loại bỏ mùi hôi miệng tức thời.
Uống trà xanh
Trà xanh là một phương pháp chữa hôi miệng tại nhà hiệu quả. Pha trà xanh loãng và uống hàng ngày giúp răng nướu sạch sẽ, không còn mùi khó chịu trong hơi thở.
Ăn táo
Táo có tác dụng mạnh mẽ trong việc giảm mùi hôi miệng, đặc biệt là sau khi các thức ăn nặng mùi. Ví dụ, sau khi ăn tỏi, ăn táo giúp trung hòa các hợp chất trong máu, thay vì chỉ khử mùi miệng.
Nước súc miệng tự làm với baking soda
Baking soda là một loại muối có khả năng diệt khuẩn, làm sạch mảng bám trên răng và bề mặt lưỡi hiệu quả và giúp hơi thở sạch sẽ, không còn mùi.
Cách dùng baking soda để làm nước súc miệng như sau: Pha 1/2 thìa nhỏ baking soda với 1 cốc nước và súc miệng hàng ngày để chữa hôi miệng.
Nước súc miệng tự làm với giấm
Giấm có chứa một loại axit tự nhiên được gọi là axit axetic. Chất này ức chế vi khuẩn hoạt động gây mùi. Sử dụng giấm táo trị hôi miệng như sau: Pha 2 muỗng canh giấm táo hoặc trắng vào 1 cốc nước. Súc miệng ít nhất 30 giây trước khi nhổ ra.
Trên đây là các biện pháp trị hôi miệng tại nhà, rất dễ dàng để áp dụng. Bạn đọc có thể thử nếu thấy mình chớm bị hôi miệng hoặc tình trạng hôi miệng xuất hiện một số thời điểm trong ngày. Đối với các trường hợp hôi miệng kéo dài, nghi ngờ là dấu hiệu bệnh lý của các cơ quan liên quan như dạ dày, thực quản, vòm họng, mũi… hoặc bệnh lý gan, thận, tiểu đường, nhất thiết bạn cần đi khám bác sĩ để phát hiện sớm nguyên nhân và chữa trị kịp thời. Hãy luôn chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân nhé.