Tụt nướu là một vấn đề răng miệng phổ biến và diễn ra âm thầm, biểu hiện không quá rõ rệt như những căn bệnh khác. Cũng chính vì vậy mà nhiều người trong chúng ta không lường hết được sự nguy hiểm của tình trạng này nên không kịp thời ngăn chặn và điều trị, dẫn đến tình trạng mất răng và các vấn đề khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của chúng ta. Vậy bệnh tụt lợi có chữa được không, hãy cùng tìm hiểu với chúng tôi qua bài viết sau đây nhé.
Mục lục
Tại sao lại xảy ra tình trạng tụt lợi?
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể gây ra tụt lợi, có thể kể đến như:
- Bệnh răng miệng thường gặp như bệnh viêm nha chu, viêm nướu, răng mọc không đều… dễ dẫn đến tình trạng tiêu xương ổ răng và khiến nướu bị co rút
- Kích thích quá mức bởi lực cơ học thường đến từ các hành vi đánh răng quá mạnh, xỉa răng bằng tăm nhọn, lực nhai cắn lớn hoặc lực kéo khi thực hiện nắn chỉnh răng.
- Tuổi tác: Tụt lợi khi về già là hiện tượng không thể tránh khỏi do suy thoái mô nướu.
- Cấu trúc răng không đồng đều dẫn đến sai lệch khớp cắn và sang chấn khi nhai. Đây là một trong những nguyên nhân lớn gây ra co rút nướu răng.
- Thay đổi nội tiết tố cũng có thể dẫn đến các bệnh lý răng miệng có bao gồm tụt nướu.
Những dấu hiệu bị tụt lợi
- Lợi bị tụt về phía chóp chân răng làm lộ ra chân răng có thể quan sát thấy bằng mắt thường
- So với mặt bằng chung của các răng, răng có lợi bị tụt sẽ dài hơn do phần lợi chân răng bị ngắn lại.
- Vùng chân răng bị lộ ra có thể bị ê buốt, nhạy cảm với nhiệt độ nóng, lạnh đột ngột.
- Nướu có màu nhợt nhạt, có thể xuất hiện hiện tượng chảy máu mỗi khi chải răng, hoặc xỉa tăm hay có những tác động vào
- Cảm giác răng lỏng lẻo hơn do khả năng nâng đỡ răng của nướu khi bị tụt giảm đi nhiều.
Tụt lợi có nguy hiểm không?
Răng dễ bị ê buốt, nhạy cảm
Sau khi nướu bị teo lại, chân răng không được bảo vệ đúng cách, chân răng nếu không được bảo vệ đầy đủ sẽ dễ dẫn đến tình trạng ê buốt răng. Ví dụ, ăn đồ lạnh, nóng, chua, ngọt dễ gây đau nhức răng.
Tụt lợi có thể kéo theo hàng loạt bệnh răng miệng
Khi chân răng bị lộ ra,vi khuẩn tăng cường tấn công và ăn mòn chân răng nên tỷ lệ sâu răng ở chân răng là rất cao, dẫn đến răng dễ bị lung lay, gãy rụng sớm. Ngoài ra, các bệnh viêm nhiễm cũng có thể xuất hiện nếu tình trạng vệ sinh răng miệng kém và đồ ăn thức uống sử dụng có chứa nhiều axit và đường.
Các vấn đề ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân
Khi nướu bị teo rút, chúng thường có tác động lớn hơn đến vẻ ngoài. Đặc biệt, tụt nướu tại các vị trí như răng cửa hàm trên, răng cửa hàm dưới, răng trông dài ra, khe hở kẽ răng rộng có thể khiến vẻ ngoài bị già hơn rất nhiều và ảnh hưởng đến tổng thể.
Vậy, có cách nào chữa dứt điểm tình trạng tụt nướu không?
Ngoại trừ tụt nướu sinh lý do tuổi tác là điều không thể tránh khỏi, thì tình trạng tụt nướu do bệnh lý có thể điều trị dứt điểm nếu như xử lý được tận gốc các bệnh lý nguyên nhân. Tuy nhiên, phần nướu đã mất đi sẽ không thể tự đầy lại để bao bọc chân răng như trước, bạn cần đến các cơ sở nha khoa chính quy để khám và điều trị phù hợp với tình trạng của mình.
Các bác sĩ chuyên khoa răng giúp gì cho bạn?
Lấy cao răng
Làm sạch cao răng hay vôi răng là biện pháp ban đầu được áp dụng đối với hầu hết liệu trình điều trị răng miệng. Cao răng tụt sâu khiến nướu không còn độ bám dính chân răng nữa và tình trạng tụt nướu sẽ càng trầm trọng hơn.
Sau khi loại bỏ cao răng và mảng bám, bác sĩ có thể chỉ định các liệu pháp nha khoa tùy vào tình hình răng miệng của từng bệnh nhân như:
Nạo túi nha chu
Phương pháp này sử dụng những liệu pháp và kỹ thuật nha khoa để nạo sạch làm sạch vùng túi giữa nướu và răng trong trường hợp viêm nướu hoặc nha chu có ổ mủ.
Dùng thuốc bôi hoặc thuốc ngậm có fluoride
Những trường hợp răng bị ê buốt nhiều do tụt nướu lâu ngày. Bệnh nhân có thể được hướng dẫn ngậm máng plastic có gel fluoride tại nhà hoặc hằng ngày tới phòng khám răng để bôi dung dịch fluoride lên những vị trí răng bị buốt theo liệu trình khoảng 5 đến 6 ngày. Kết thúc điều trị sẽ giải quyết được tình trạng ê buốt răng do tụt nướu.
Lazer kết hợp bôi dung dịch fluoride
Kết hợp chiếu tia laser khi sử dụng dung dịch fluoride kết hợp ánh sáng lazer giúp bịt kín 90% các ống ngà bị hở giúp giải quyết nhanh chóng vấn đề ê buốt răng, đồng thời răng được bao phủ bề mặt sẽ hạn chế vi khuẩn xâm nhập gây sâu răng, viêm chân răng.
Phủ mặt răng bằng composite hoặc xi măng glass ionomer
Phương pháp này cũng giúp trám đầy phần chân răng bị lỗ rỗ do tụt nướu lâu ngày, đang bị ăn mòn dần. Tác dụng của phủ composite hoặc xi măng vĩnh viễn glass ionomer đây giúp giảm ê buốt và hạn chế tình trạng mòn bề mặt răng.
Phẫu thuật điều trị tụt lợi
Phương pháp phẫu thuật phục hình lợi bị tụt bằng phương pháp ghép lợi là một biện pháp hiệu quả, vừa trị dứt điểm tụt lợi lại phục hồi vẻ đẹp cho hàm răng.
Ghép lợi là sử dụng các tổ chức ghép để cấy vào phần lợi đã mất, sau đó cố định và làm liền vết thương. Mất khoảng 3 tháng đến 6 tháng sau điều trị để lợi có thể phục hồi hoàn toàn.
Căn cứ vào tổ chức ghép được sử dụng, có thể phân loại ghép lợi thành các phương pháp sau:
– Ghép vạt lợi có chân nuôi
Loại vạt trượt bên có chân nuôi được chỉ định khi phần mô mềm ở vùng kẽ răng còn tốt và lợi vùng bên cạnh còn đủ rộng, đủ cao để tạo vạt trượt bên.
– Ghép lợi tự do tự thân
Ghép lợi tự do tự thân là cách sử dụng tổ chức ghép lấy từ các vùng lân cận như vạt niêm mạc và tổ chức liên kết ở phía hàm ếch, thường từ răng nanh đến răng số 6
– Ghép vạt tổ chức liên kết dưới biểu mô
Đây là phương pháp ghép lợi kết hợp giữa ghép vạt có chân nuôi và vạt lợi tự do tự thân, thường được áp dụng cho các hàm răng bị tụt lợi nặng, hoặc tụt lợi hàm trên. Tính đến nay, phẫu thuật ghép vạt tổ chức liên kết dưới biểu mô được coi là phương pháp có hữu hiệu nhất để che phủ chân răng do tụt lợi.
Phương pháp này khá phức tạp, yêu cầu trình độ nha khoa cao và thời gian phẫu thuật kéo dài hơn. Bạn nên tìm hiểu kỹ và lựa chọn bệnh viện chính quy hoặc cơ sở nha khoa uy tín để thực hiện phẫu thuật.
– Tái tạo mô có hướng dẫn bằng màng sinh học
Phương pháp này áp dụng cho trường hợp tụt lợi mà tổ chức nha chu ở kẽ răng còn tốt, sử dụng những chất liệu ghép nhân tạo nên chi phí của phẫu thuật này khá cao.
Qua đây, có thể thấy rằng, tụt lợi không phải bệnh khó chữa trị. Tuy nhiên, muốn trị được tụt lợi, hầu hết đều phải áp dụng các phương pháp khoa học chính thống, tự chữa tại nhà không thể khỏi được. Tất nhiên, việc chữa trị tại nha khoa không đơn giản mà ngược lại còn mất nhiều thời gian, công sức và chi phí không hề nhỏ. Vì vậy, cách tốt nhất nên làm là hãy chủ động phòng ngừa tụt lợi, tránh xa các nguy cơ có thể gây tụt lợi.
Phòng ngừa tụt lợi như thế nào?
Tụt lợi là hậu quả của hầu hết các bệnh lý răng miệng gây ra bởi vi khuẩn như viêm nướu, sâu răng, viêm nha chu…Để ngăn ngừa tụt nướu, chúng ta cần chăm sóc răng miệng thật tốt, không để vi khuẩn có điều kiện phát triển sinh sôi trong khoang miệng.
Để làm được điều này, bạn đọc cần lưu ý:
- Đánh răng hàng ngày thật kỹ, nhưng cần dùng lực nhẹ vừa phải và sử dụng bàn chải răng có lông mềm.
- Dùng tăm chỉ nha khoa và nước súc miệng sau khi ăn để loại bỏ hết thức ăn thừa còn sót lại.
- Các trường hợp bọc răng sứ, làm răng giả, trồng răng implant, nắn chỉnh răng… cần tìm hiểu kỹ để lựa chọn trung tâm nha khoa uy tín, không tiếc rẻ mà chọn nơi kém chất lượng có thể dẫn đến biến chứng tụt lợi sau khi thực hiện làm răng thẩm mỹ, nắn chỉnh không đúng cách.
- Khám răng miệng và lấy cao răng định kỳ là cách tốt nhất để kiểm soát các vấn đề răng miệng. Thường xuyên đến gặp nha sĩ để được kiểm tra, tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng hợp lý.
- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đủ vitamin C giúp nướu hồng hào, khỏe mạnh, tăng tính bền vững, có thể làm chậm tốc độ suy thoái nướu khi tuổi già.
- Sử dụng kem đánh răng giúp nướu chắc khỏe là một cách phòng ngừa tụt nướu rất tốt.
Như vậy, qua bài viết trên, chúng tôi đã cũng cấp cho bạn đọc những kiến thức bổ ích về bệnh lý tụt lợi chân răng, đồng thời cũng trả lời cho thắc mắc của nhiều người răng bệnh tụt lợi có chữa khỏi được không. Tuy nhiên, các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo. Để chữa trị hiệu quả nhất, bạn vẫn cần tìm gặp bác sĩ chuyên khoa. Chúc bạn nhiều sức khỏe!