Tụt lợi hay còn gọi là teo rút lợi là bệnh lý răng miệng có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Theo thống kê, đối tượng bị tụt lợi là trẻ em đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Điều này khiến nhiều người bất ngờ vì bệnh lý tụt nướu thường gặp ở đối tượng người cao tuổi nhiều hơn do suy thoái nướu sinh lý. Vì vậy, để làm rõ vì sao trẻ nhỏ cũng có thể bị tụt nướu, chúng ta sẽ đi tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé.
Mục lục
Tụt lợi ở trẻ em – nhận biết dấu hiệu
Tụt lợi ở trẻ nhỏ là hiện tượng nướu chân răng bị co rút khỏi bề mặt răng và tụt sâu xuống dưới phía chân răng. Tụt lợi ở trẻ nhỏ bố mẹ có thể quan sát thấy kèm theo các biểu hiện lợi sưng đỏ, chảy máu chân răng, trẻ kêu đau nhức.
Trẻ bao nhiêu tuổi có thể bị tụt lợi
Hàm răng của trẻ nhỏ cần trải qua 2 thời kỳ: răng sữa và răng vĩnh viễn.
Các bé có thể bị tụt lợi ngay khi vẫn còn răng sữa, khi trẻ mới chỉ dưới 3 tuổi. Tuy nhiên tụt lợi răng sữa thường ít gặp hơn so với thời kỳ trẻ bắt đầu thay răng và mọc răng vĩnh viễn từ khoảng
Dấu hiệu bệnh tụt lợi ở trẻ em
Trẻ em bị tụt lợi thường có các biểu hiện: lợi có màu nhợt nhạt, thân răng dài, chân răng lộ ra, trẻ có thể bị ê buốt răng, đau nhức mỗi khi ăn uống. Bên cạnh đó lợi của trẻ có thể bị chảy máu, kèm theo hơi thở có mùi hôi. Khi đưa trẻ đi chụp Xquang thấy khoang nha chu hẹp, xương ổ răng lỏng lẻo, khoang tủy to ra.
Nguyên nhân gây tụt nướu
Tụt lợi do nướu bị viêm nhiều lần
Nguyên nhân chiếm phần lớn gây ra các ca tụt lợi ở trẻ nhỏ là viêm lợi và bệnh nha chu.
Trẻ em đặc biệt là các bé còn nhỏ tuổi thường chưa ý thức được tầm quan trọng của việc vệ sinh răng miệng đúng cách. Thêm vào đó, các bé đa phần đều rất thích ăn đồ ngọt như bánh kẹo, uống sữa, nước ngọt có gas. Việc các bé sử dụng thường xuyên các loại thực phẩm này mà không vệ sinh răng miệng kịp thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công ăn mòn răng, sâu răng, viêm nướu răng và viêm nướu răng nặng hay còn gọi là bệnh nha chu.
Các tổ chức răng miệng bị viêm kéo theo tình trạng lợi bị tổn thương, teo rút, tiêu xương ổ răng dẫn đến răng lỏng lẻo, lung lay. càng khiến tình trạng tụt lợi ở trẻ thêm nghiêm trọng. Nếu không đưa trẻ đi khám chữa kịp thời, khả năng mất răng là rất cao.
Sự tụt lợi do kích thích cơ học
Việc hướng dẫn trẻ chải răng rất quan trọng, nếu chải quá hời hợt thì không đủ làm sạch răng, chải quá mạnh hoặc mặt bàn chải quá cứng có thể gây kích ứng quá mức cho nướu.
Phương pháp chải răng không đúng (phương pháp chải ngang) cũng góp phần khiến nướu răng của trẻ dễ bị co rút.
Cấu trúc răng
Quá trình thay răng ở trẻ em tác động rất nhiều đến nướu răng. Hàm răng khi chưa hoàn chỉnh, còn nhiều xô lệch và biến đổi dẫn đến tình trạng sang chấn khớp cắn. Khi đó, lợi bị co kéo nhiều có thể xuất hiện hiện tượng tụt lợi.
Tình trạng tụt nướu do viêm nha chu thường xảy ra sau khi điều trị nha chu hoặc sau khi vệ sinh răng miệng được cải thiện, mô mềm của thành túi nha chu bị co lại, làm lộ chân răng.
Yếu tố di truyền
Các đặc điểm của nướu răng cũng bị ảnh hưởng bởi gen di truyền. Thống kê cho thấy các trường hợp cha mẹ bị tụt lợi di truyền lại cho con cái cũng chiếm một tỷ lệ khá cao.
Như vậy có thể kết luận khả năng bị tụt lợi ở trẻ nhỏ có cao hay không phụ thuộc rất nhiều vào thói quen ăn uống và cách vệ sinh răng miệng cho các bé. Thêm vào đó, quá trình thay răng cũng là thời điểm dễ xảy ra hiện tượng tụt nướu nhất. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ cần sát sao, hướng dẫn các con vệ sinh răng miệng thế nào cho đúng cách và chú ý đến sở thích ăn ngọt của các bé.
Hậu quả của bệnh tụt lợi ở trẻ nhỏ
Hiện tượng tụt lợi ở trẻ em mang đến nhiều ảnh hưởng bất lợi. Thứ nhất, phần lợi bao bọc chân răng bị co rút lại để lộ ra chân răng. Tại đây, các vi khuẩn có thể dễ dàng tấn công bề mặt chân răng, ăn mòn men răng và đi sâu vào lớp ngà, thậm chí tấn công vào tủy gây viêm tủy. Như vậy, tụt lợi có thể làm gia tăng nguy cơ gặp phải các bệnh lý về răng khác như sâu răng, viêm chân răng, hậu quả là tiêu xương ổ răng dẫn đến gãy rụng răng sớm.
Trường hợp trẻ nhỏ bị tụt lợi mà nguyên nhân do viêm nướu, viêm nha chu thì việc co rút nướu này càng làm trầm trọng hơn mức độ viêm nhiễm và biến chứng của bệnh.
Nướu là bộ phận nâng đỡ răng, nếu trẻ nào bị tụt lợi sớm thì chức năng của răng cũng bị ảnh hưởng nhiều. Việc ăn uống của trẻ trở nên khó khăn hơn, nướu tụt khiến kẽ răng rộng ra, thức ăn thừa dễ dàng đọng lại gây viêm nhiễm hơn.
Hơn nữa, nướu bị tụt ảnh hưởng đến thẩm mỹ của hàm răng, nếu trẻ lớn hơn và có nhận thức được về vẻ bề ngoài thì bị tụt lợi sẽ khiến trẻ giảm tự tin khi giao tiếp.
Cách điều trị tình trạng tụt lợi ở trẻ nhỏ
Nếu bố mẹ quan sát thấy trẻ có dấu hiệu bị tụt nướu, cần đưa bé đến trung tâm nha khoa để kiểm tra. Tại đây, bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ của tình trạng tụt lợi để đưa ra lời khuyên và các phương pháp điều trị.
Thông thường, các trường hợp tụt lợi nhẹ mà không có thêm biểu hiện nhiễm trùng lợi hay các bệnh lý về răng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách tự điều trị để chấm dứt tình trạng này bao gồm hướng dẫn vệ sinh răng miệng, chọn bàn chải và kem đánh răng phù hợp.
Cha mẹ có thể cho trẻ súc miệng thường xuyên bằng nước muối loãng hoặc nước muối sinh lý.
Việc thực hiện thủ thuật lấy cao răng có thế áp dụng đối với các trẻ đã lớn, loại bỏ cao răng giúp ngăn chặn nướu bị tụt sâu hơn, đồng thời làm sạch và mịn bề mặt chân răng, hạn chế vi khuẩn tấn công gây hại cho răng.
Ngoài ra còn có các phương pháp phẫu thuật giúp phục hồi chức năng nướu như nạo làm sạch và thu nhỏ túi nha chu, ghép lợi hay ghép xương răng cũng được áp dụng để trị tụt lợi. Tuy nhiên, với đối tượng trẻ em, cần cân nhắc các phương pháp này có phù hợp với độ tuổi của trẻ hay không, bác sĩ sẽ tư vấn cặn kẽ nhất.
Bởi cơ thể trẻ em còn phát triển, cấu trúc răng và nướu cũng sẽ còn thay đổi, chúng ta nên sử dụng các biện pháp điều trị với mục đích khắc phục và ngăn chặn tình trạng tụt nướu tiếp tục diễn ra thay vì áp dụng ngay các phương pháp phẫu thuật tạo hình phức tạp.
Làm sao để phòng ngừa tụt lợi ở trẻ nhỏ?
Qua những phân tích về nguyên nhân và mức độ nguy hiểm của bệnh tụt lợi ở trẻ nhỏ, có thể thấy rằng, bệnh lý này hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Sau đây là cách giúp trẻ ngăn ngừa tình trạng tụt nướu.
Khám nha khoa định kỳ
Tụt nướu ở trẻ nhỏ có thể diễn biến từ từ cho đến lúc biểu hiện ra ngoài mới quan sát được. Nếu bố mẹ thường xuyên đưa trẻ đi khám nha khoa sẽ có thể tầm soát hết được các vấn đề răng miệng đã và đang diễn ra. Thời gian phù hợp để đi khám răng cho trẻ là từ 3-6 tháng/ lần.
Chế độ ăn uống của trẻ rất quan trọng
Trẻ đang trong độ tuổi phát triển, cơ thể cần được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ. Cho trẻ ăn uống đủ chất và cân đối các thành phần dinh dưỡng giúp nưỡu vững chắc, tăng khả năng nâng đỡ và bám dính chân răng. Vitamin C rất tốt trong việc ngăn ngừa các bệnh lý về răng miệng như viêm nướu. Phụ huynh nên cho trẻ ăn nhiều hoa quả, rau xanh chứa nhiều Vitamin C và chất xơ để nướu răng luôn khỏe mạnh, phòng tránh cả những bệnh viêm nhiễm khác.
Đánh răng đúng cách
Các bậc phụ huynh nên hướng dẫn trẻ đánh răng đúng cách như sau:
Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi buổi sáng và buổi tối
Nên khuyến khích trẻ chăm chỉ đánh răng bằng cách mua cho bàn chải đánh răng có nhiều hình thù ngộ nghĩnh và nên chọn loại bàn chải có lông mềm.
Cách chải răng: Chải răng đúng cách là không chải răng theo chiều ngang như thói quen. Bố mẹ hãy hướng dẫn trẻ dùng bàn chải để chải theo hình vòng tròn trên bề mặt ngoài của hàm răng. Sau đó chải mặt trong răng theo chiều dọc thân răng. Cọ mặt bàn chải lên mặt nhai của hàm trên và dưới, tránh bỏ sót bất kỳ vị trí nào trong hàm răng. Không quên nhắc bé chải lưỡi.
Chọn loại kem đánh răng tốt, có thành phần hỗ trợ chăm sóc nướu khỏe mạnh, răng vững chắc.
Qua đây, chúng tôi đã cung cấp các kiến thức về bệnh lý tụt nướu ở trẻ em. Tuy nhiên, các thông tin này đều mang tính chất tham khảo. Khi bé bị tụt lợi, chúng tôi khuyên cha mẹ hãy đưa bé đến gặp nha sĩ sớm nhất có thể. Bảo vệ sức khỏe răng miệng cho các bé là tiền đề cho cơ thể khỏe mạnh, phát triển vượt trội.